Đề bài: Em hãy so sánh bài thơ Bánh trôi nước với những bài ca dao được mở đầu bằng cụm từ Thân em.
Bài thơ Bánh trôi nước của tác giả Hồ Xuân Hương viết về thân phận và cuộc sống của những người phụ nữ phong kiến trong xã hội xưa. Bài thơ thể hiện sự cảm thông, đồng cảm sâu sắc với thân phận của những người phụ nữ. Trong ca dao xưa cũng đã có rất nhiều bài nói về những người phụ nữ có vẻ đẹp về ngoại hình cũng như phẩm chất nhưng số phận long đong, nổi trôi đầy bất hạnh.
Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ viết về phụ nữ nên ngòi bút của bà hướng đến sự trân trọng, đồng cảm với số phận của những người phụ nữ có vẻ đẹp toàn diện nhưng số phận lại phải phụ thuộc vào người khác. Mở đầu bài thơ, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của những người phụ nữ thông qua hình ảnh của chiếc bánh trôi nước:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Ở trong bài thơ này, tác giả Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh của những chiếc bánh trôi để nói về thân phận của những người phụ nữ, đây là một sự liên tưởng đầy độc đáo, sáng tạo, thể hiện được tài năng cũng như cá tính sáng tạo của nhà thơ. Về ý nghĩa tả thực, ta có thể thấy được hình dáng của những chiếc bánh trôi, đó là những chiếc bánh được làm từ bột gạo nếp, có hình tròn, màu trắng và bên trong có nhân, khi mang luộc bánh sẽ chìm còn khi chín nó sẽ nổi lên mặt nước.
Từ hình dáng và cách thức chế biến của bánh trôi, tác giả hồ Xuân Hương đã gợi ra hình ảnh của những người phụ nữ xưa, đó là những người phụ nữ có vẻ đẹp về nhan sắc, ngoại hình “thân em vừa trắng lại vừa tròn”, cái vẻ tròn trịa của chiếc bánh trôi lại gợi ra vẻ đẹp đầy phúc hậu ở người con gái. Tác giả đã thể hiện sự trân trọng, lời ngợi ca đầy chân thành đối với vẻ đẹp của những người con gái xưa.
Tuy đẹp nhưng những người phụ nữ này lại có số phận chìm nổi, một cuộc sống không tự định đoạt mà lại bị chi phối bởi người khác “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Tuy có cuộc sống long đong, chịu nhiều bất hạnh nhưng trong hoàn cảnh nào thì những người phụ nữ cũng giữ được vẻ đẹp về phẩm tiết, đức hạnh”…mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Trong ca dao xưa cũng có rất nhiều bài ca dao nói về thân phận người phụ nữ, mà điển hình nhất là những bài ca dao được bắt đầu bằng cụm từ “Thân em”
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Bài ca dao này cũng hướng đến ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, so sánh vẻ đẹp ấy với tấm lụa đào, một vẻ đẹp đầy duyên dáng, rạng ngời. Nhưng người phụ nữ này lại có số phận hẩm hiu, tựa như một món hàng được bày bán ở ngoài chợ. Không biết người mua là ai cũng đồng nghĩa với việc người phụ nữ không có quyền quyết định cuộc sống tương lại của mình, không biết người chồng tương ai của mình như thế nào. Nếu may mắn gặp được người tốt thì sẽ hạnh phúc, ngược lại nếu gặp phải những kẻ vũ phu, độc ác thì sẽ chịu cuộc sống bất hạnh, đau khổ.
“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm rồi mới biết rằng em ngọt bùi”
Nếu ở câu ca dao trên nói về vẻ đẹp ngoại hình thì ở câu ca dao này lại nói về vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp bên trong phẩm chất của người con gái. Câu ca dao cũng là lời yêu cầu chân thành, tha thiết đối với những người chồng tương lai của mình, rằng hãy biết trân trọng những vẻ đẹp ấy.
Như vậy cả Hồ Xuân Hương và các tác giả dân gian đều hướng sự quan tâm của mình đến số phận cũng như cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tuy cách biểu hiện có sự khác nhau nhưng đều thể hiện được tinh thần nhân văn sâu sắc của các tác giả.
Tham khảo thêm những bài văn hay liên quan đến tác phẩm Bánh trôi nước:
Leave a Reply