Đề bài: Người ta thường hay an ủi bản thân mỗi khi gặp phải việc không tốt lành bằng câu: “ Cái số mình nó như vậy”. Anh chị có suy nghĩ như thế nào về câu nói đó?
Cuộc sống thiếu vắng bóng dáng của một người đàn ông gây ra biết bao khó khăn cho gia đình tôi. Bố tôi mất năm tôi vừa tròn 3 tuổi, và thậm chí tôi còn chưa nhớ rõ mặt ông. Thiếu đi các trụ cột vững chắc nhất, quả đúng là một điều không hề may mắn đối với tôi, mẹ và chị gái. Tôi thương mẹ lắm! Bà vừa phải là mẹ, vừa phải là người đàn ông trong gia đình. Mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình, một tay mẹ tôi quán xuyến, lo liệu. Thời gian đã in lên mắt mẹ những vết chân chim, mưa nắng cuộc đời đã làm nhòa đi nụ cười vốn dĩ rất hiền hậu của mẹ. Khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng dừng như chưa bao giờ mẹ than vãn với chúng tôi một lời. Chỉ thỉnh thoảng tôi nhìn thấy cái dáng cao gầy khắc khổ của mẹ thu lại bé nhỏ vả cô quạnh một mình trong căn phòng tối, mẹ khẽ thở dài: “Thôi, cái số mình nó vậy!”… nước mắt mặn chát lăn dài trên khóe miệng. Phải chăng những lúc khó khăn, gian khổ trong đời, những con người lam lũ như mẹ tôi chỉ còn biết thở dài và trút ra câu nói ngỡ như là buông xuôi ấy!
Mỗi con người sinh ra giữa cuộc đời này chính là một món quá quý giá của thượng đế. Và cuộc đời thì chẳng ai giống ai. Mỗi số phận khác nhau là những giai điệu trầm bổng khác nhau, những loài hoa với màu sắc và hương thơm khác nhau. Có những cuộc đời trải dài toàn những màu hồng tươi đẹp và hạnh phúc. Lại có những cuộc đời gắn với những mảng màu xám đen, đầy thăng trầm, đầy thử thách, có khi còn mù mit không lối thoát. Và cũng chính vì vậy, mỗi người đều chọn cho mình một cách sống khác nhau, cách chấp nhận thất bại và thành công, chẳng ai giống ai cả. Thành công thì dễ đối mặt nhưng thất bại thì ngược lại. Thất bại có thể mang đến cho con người ta những cảm giác đau buồn, thất vọng, chán nản và thậm chí là muốn buông xuôi tất cả. Có những người chỉ những thất bại nhỏ thôi cũng đủ để khiến cho họ gục ngã. Nhưng trái lại, cũng có những người mạnh mẽ chấp nhận thất bại, coi thất bại như là bài học quý giá để kiếm tìm thành công. Mẹ tôi là một người như thế!
Cuộc sống không thể thiếu đi cái gọi là may mắn. May mắn giống như một liều thuốc thần kỳ, một thứ phép màu lộng lẫy và quý giá. May mắn có thể khiến cho con người ta có động lực để thành công. Song không phải ai cũng may mắn có được phép màu ấy. “Cái số mình nó như vậy!” Người ta thường an ủi bản thân mình trước những điều không tốt đẹp trong cuộc đời. Người ta xem đó như là những sự thiếu may mắn. “Cái số” hay cũng chính là cuộc đời vậy. Cuộc đời trôi đi như thế, mọi việc đều diễn ra như thế, thần may mắn đã không mỉm cười với bản thân mình. Thôi thì đành chấp nhận!. Tuy nhiên, nói ra câu nói ấy không phải ai cũng có ý định buông xuôi và phó mặc cho cuộc đời. Đằng sau nó, còn ẩn chứa nhiều câu chuyện mà có lẽ bạn chưa bao giờ biết.
“Cái số mình nó vậy”- câu nói như đã trở thành câu cửa miệng của rất nhiều người, ở mọi lứa tuổi và thành phần trong xã hội. Ta có thể nghe từ một cô cậu học trò khi được điểm kém. Ta cũng có thể nghe từ một chị gánh hàng rong khi đã quá trưa mà vẫn chưa bán được thứ hàng nào để về lo cơm nước cho chồng con. Ta còn có thể nghe từ một người mẹ lam lũ vất vả suốt cuộc đời để kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình nhưng cuối cùng lại phải chịu một mất mát quá lớn. Hay những vị giám đốc ta thường nhìn thấy với phong thái cao sang quyền quý, có bao giờ họ buông ra câu nói ấy, khi thất bại trong một hợp đồng, một dự án, khi va vấp trong một vụ làm ăn? Ai cũng có thể nói ra, nhưng thái độ của mỗi người lại khác nhau. Nếu xem những chuyện tốt đẹp trong cuộc đời là một thất bại thì đây chính là một trong những cách mà người ta đối mặt với thất bại. Có người xem câu nói ấy như là nguồn an ủi, động viên cho số phận hẩm hiu của bản thân. Dù biết rõ rằng, điều không tốt ấy xảy ra là do mình chứ không phải là “duyên số”. Và sau câu nói ấy, người ta có thể ngồi lại, suy ngẫm về tất cả, về những đúng-sai, phải-trái, để rút kinh nghiệm, bài học quý giá cho những lần sau. Đối với họ, câu nói “Cái số mình nó vậy” như một cách để trút bỏ gánh nặng, trút bỏ những ưu tư, lo toan đang lớn dần trong lòng, để thoải mái và nhẹ nhàng sống tiếp, bỏ qua và tha thứ cho mọi lỗi lầm. Có lẽ không ít người biết đến thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người bị cụt cả hai tay, nhưng nhờ tinh thần vượt lên khó khăn, không bao giờ chịu khuất phục của mình, chàng trai Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành một nhà giáo nổi tiếng. Đằng sau sự thành công đó là một nghị lực phi thường và tâm hồn đáng trân trọng. Tuy nhiên, cũng có người xem câu nói ấy như là sự kết thúc cho tất cả. Họ chán nản và buông xuôi. Họ không thể nhận ra trắng-đen, đúng-sai trong những gì vừa xảy ra. Họ oán trách và đổ lỗi cho số phận, cho thần may mắn vì đã không mỉm cười với họ. Họ phó mặc tất cả cho cuộc đời và cũng đồng nghĩa với việc ánh sáng niềm tin trong họ dần tắt đi, chìm ngập trong bóng tối đặc quánh của sự thất vọng.
Sau những đêm bắt gặp hình bóng mẹ ngồi khóc trong phòng, tôi luôn day dứt và giận mình ghê gớm vì chỉ biết đứng nhìn và không thể giúp được gì hơn, mẹ luôn tươi cười rạng rỡ với chúng tôi, luôn cố gắng làm tất cả, làm hết sức để chị em tôi được đầy đủ và hạnh phúc. Những đêm tối một mình của mẹ dường như chỉ được giấu kĩ sau ánh mắt xa xăm kia. Tôi thương mẹ và luôn coi mẹ như một tấm gương sáng, đáng để học tập. Mẹ đầy nghị lực và cũng chính là nghị lực sống của chị em tôi.
Sao bạn không thử là một Nick Vuijic, một Nguyễn Ngọc Ký? Sao bạn không thử soi những tấm gương ấy để ngắm nhìn lại cuộc đời của chính mình. “Duyên số” trong đời có là gì khi ta biết chọn cho mình cuộc sống đúng. “ Cái số mình nó vậy” chỉ là câu thở dài thôi nhé, đừng buông xuôi. Nếu như chúng ta có lòng tin và nghị lực sống thì ta có thể làm tất cả, có thể vượt lên số phận để tỏa sáng theo một cách của riêng mình.
Leave a Reply