Đề bài: Suy nghĩ của anh chị sau khi đọc bài thơ Lượm của Tố Hữu.
Nói đến Tố Hữu là nói đến một nhà thơ cách mạng , một trong những cây bút lớn của nền thơ ca Việt Nam. Và một trong số những tác phẩm ấy người ta không thể nào quên bài thơ Lượm bài thơ viết về một cậu bé hồn nhiên, vui vẻ, hăng hái và dũng cảm. Lượm đã hi sinh song hình ảnh của em còn mãi với quê hương đất nước và trong lòng mọi người.
Nói đến Lượm người ta không thể nào quên một hình ảnh chú đội viên loắt choắt, cái mũ ca lô đội lệch:
“ Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng”
Tác giả đã sử dụng các từ láy như loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh được dùng rất gợi hình, gợi cảm cùng với nhịp thơ nhanh làm toát lên một cậu bé nhanh nhẹn, tinh nghịch và vô cùng hồn nhiên, đáng yêu .
Có lẽ, chỉ thật sự yêu mến chú bé tác giả mới lột tả hết được cái tinh thần sự đáng yêu của một chú bộ đội nhỏ được so sánh như con chim chích luôn vui vẻ và luôn hát ca.
Với Lượm đi làm nhiệm vụ liên lạc là niềm vui, là sự tự do, thích thú. Chứ không phải là mệt nhọc hay nguy nan.
“ Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn mang cá
Thích hơn ở nhà”
Sự hồn nhiên trong cách trả lời “ Ở đồn mang cá. Thích hơn ở nhà” Lượm như con chim sổ lồng bay được tự do làm điều mình thích. Với nụ cười híp mí và má đỏ bồ quân. Sự tinh nghịch và đáng yêu được khắc họa rõ nét qua cử chỉ và hành động của Lượm. Và câu chào: “ Thôi chào đồng chí! Cháu đi xa dần” Lượm cũng như một người lính can trường khi ra trận.
Ấn tượng mãi về một cậu bé,đáng yêu tinh nghịch và hồn nhiên ấy thì bỗng có tin dữ Lượm hi sinh . Câu thơ bốn tiếng bỗng dưng bị ngắt ra thành hai tiếng:
“Ra thế
Lượm ơi!…”
Đó là sự sửng sốt , xúc động nghẹn ngào vì cậu bé đã ra đi trong khi làm nhiệm vụ của mình. Rồi một hôm nào đó, như bao hôm nào cậu đi làm nhiệm vụ của mình trong lúc nguy hiểm nhất:
“ Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chị hiểm nghèo”
Để rồi tất cả bỗng nghẹn ngào khi :
“Bỗng lòe chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi”
Tác giả đã gọi “ chú đồng chí nhỏ” ở đây Tố Hữu đã coi Lượm như một chiến sĩ thực thụ đã hi sinh và ngã xuống như bao người khác . Đó có thể xem như lòng cảm phục của cán bộ cách mạng với thiếu nhi anh hùng.
Và có lẽ với tác giả không chỉ là tình cảm đồng chí đồng đội mà còn là tình cảm chú cháu :
“Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng”
Lượm hi sinh trên cánh đồng lúa quê hương nơi em hàng ngày vẫn tung tăng làm nhiệm vụ của mình. Tay của em vẫn nắm chặt bông lúa. Cái chết như nhẹ nhàng bình lặng. Thiên thần bé nhỏ đã bay đi nhưng có lẽ kỉ niệm và nỗi nhớ về em thì không bao giờ tác giả hay mỗi chúng ta có thể quên. Tố Hữu buông một lời đau xót day dứt như một lời chua sót:
“Lượm ơi! Còn không?”
Và đến hai khổ thơ cuối là những hình ảnh kỉ niệm về một cậu bé hồn nhiên tinh nghịch của ngày nào. Lượm ra đi những hình ảnh về chú đồng chí nhỏ mãi còn sống trong lòng người dân Việt Nam.
Đọc bài thơ “Lượm” của Tố Hữu người ta càng cảm nhận được tinh thần và ý chí của người dân Việt Nam. Bằng cách kết hợp miêu tả với kể chuyện và biểu hiện cảm xúc bài thơ đã thể hiện chân thực nhất chú đồng chí nhỏ “ Lượm” hồn nhiên và hăng hái dũng cảm. Lượm hi sinh nhưng hình bóng chú liên lạc ấy mãi ở lại với quê hương đất nước và trong lòng mọi người.
Tham khảo thêm những bài văn mẫu hay:
Em hãy viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về bài thơ Lượm của tác giả Tố Hữu
Leave a Reply