Suy nghĩ về đoạn thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Đề bài: Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về đoạn thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Nếu NGuyễn Du nổi tiếng với tác phẩm Truyện Kiều cùng lối văn phong bác học đầy tinh tế, uyên bác thì Nguyễn Đình Chiểu lại được xem là nhà văn của những người bình dân bởi chính sự mộc mạc, gần gũi trong ngôn ngữ trong cách thể hiện. Đặc điểm này được thể hiện một cách rõ nét thông qua tác phẩm Lục Vân Tiên, ở đây ta tìm hiểu chi tiết về đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nói về hành động nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên khi ra tay dẹp bọn cướp Phong Lai, cứu Kiều Nguyệt Nga- người bị nạn. Qua đoạn trích ta không chỉ thấy được con người chính nghĩa của Tiên mà còn thấy được phần nào tính cách đoan trang, hiểu lễ nghĩa của người con gái Kiều Nguyệt Nga.

“Vân Tiên ghé lại bên đàng

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

 

Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu của đoạn trích Lục Vân Tiên.Trong một lần về thăm cha mẹ, Vân Tiên đã chứng kiến cảnh lũ cướp đang tác oai tác quái, gây hại cho dân lành. Vân Tiên đã không mảy may suy nghĩ thiệt hơn mà hành động nhanh hơn lí trí, chàng đã bẻ cây ven đường làm vũ khí lao vào giữa đám giặc để trừ hại cho dân lành, không cho chúng ngang ngược gây hại nữa. Lời nói của Vân Tiên “Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân” đã thể hiện được quan điểm sống của chàng, đó chính là bảo vệ cuộc sống của người dân lành, đối với hành động hại dân thì không thể chấp nhận được.

“Phong Lai mặt đỏ phừng phừng

Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây

Trước gây việc dữ tại mầy

Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng”

Phong Lai là tên cầm đầu của toán cướp. Trước hành động anh hùng của Vân Tiên, hắn ta đã vô cùng tức giận. Cách miêu tả “mặt đỏ phừng phừng” vừa thể hiện được tính cách nóng nảy, bạo tàn của Phong Lai, vừa thể hiện được sự giận dữ khi có người chen ngang vào “việc tốt” của mình. Hắn ta đưa ra lời thách thức đối với Lục Vân Tiên “Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây” rồi truyền quân bốn phía bủa vây, tấn công Lục Vân Tiên. Hành động của chúng đầy manh động, tiểu nhân, dùng số đông để dồn ép chàng.

“Vân Tiên tả đột hữu xông

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang

Lâu la bốn phía vỡ tan

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay”

Trước sự hung hãn, thô bạo vô lí của quân cướp, Lục Vân Tiên không hề sợ hãi mà một mình xông vào giữa đám giặc, cách miêu tả của Nguyễn Đình Chiểu “tả đột hữu xung” vừa thể hiện được khí phách hiên ngang hơn người, vừa thể hiện được những hành động mạnh mẽ, dứt khoát của Lục Vân Tiên. Nguyễn Đình Chiểu đã so sánh sự oai phong của Lục Vân Tiên với người anh hùng Triệu Tử- một tướng trẻ dưới thời Tam Quốc. Trước sức mạnh của Tiên, lũ giặc Phong Lai bị đánh cho tan tác,quăng gươm giáo mà chạy lấy thân. Riêng Phong Lai vì không kịp trở tay mà bị Lục Vân Tiên đánh cho “thác dày thân vong”.

“Phong Lai trở chẳng kịp tay

Bị Tiên một gậy thác dày thân vong”

Như vậy,đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã thể hiện được con người chính nghĩa, giàu lòng yêu thương đối với những người dân lành, đồng thời cũng thể hiện sự căm ghét của chàng đối với những kẻ chuyên gây ra đau khổ, tước đoạt hạnh phúc của con người.

Tham khảo thêm những bài viết có liên quan:

Cảm nhận vẻ đẹp của đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Nhận xét về đoạn thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Cảm nhận về đoạn thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

sách, văn mẫu, kiến thức online