Thành phần biệt lập là gì? Các loại thành phần biệt lập? Cách phân biệt

Thành phần biệt lập là gì?
Thành phần biệt lập là gì?

Thành phần biệt lập là gì? Đây là câu hỏi gây ra không ít khó khăn cho các em học sinh trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Trong bài này sẽ giúp các bạn hiểu rõ về các thành phần biệt lập trong câu, qua các khái niệm, cách nhận biết và phân biệt, ví dụ minh họa.

Thành phần biệt lập là gì?

Thành phần biệt lập có thể hiểu một cách đơn giản nhất là thành phần có trong câu nhưng không có nhiệm vụ biểu đạt ngữ nghĩa của câu.

Thành phần biệt lập là gì?
Thành phần biệt lập là gì?

Ví dụ:

-Ái chà! Hôm nay Linh học bài chăm chỉ quá nhỉ!

Từ “ái chà” không có tác dụng biểu đạt ý nghĩa của câu mà chỉ dùng để bộc lộ cảm xúc, thái độ của người nói.

-Cả lớp mình ơi, hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu bài mới sớm hơn một chút nhé.

Từ “ơi” dùng để gọi và thu hút sự chú ý của người nghe, không có nghĩa trong câu.

Như vậy: Thành phần biệt lập là thành phần nằm trong cấu trúc câu nhưng lại không tham gia vào việc diễn đạt ý nghĩa của câu. Nó nằm hoàn toàn tách biệt để chỉ ý riêng nhưng cũng không phải là thừa. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, đa phần chúng ta rất hay thường sử dụng câu có thành phần biệt lập.

Thành phần biệt lập góp phần làm cho câu trở nên đặc biệt, nổi bật hơn, đồng thời diễn đạt ý của người nói một cách rõ ràng và gây chú ý với người nghe. Vì thế, cần nhận biết rõ và hiểu về chúng để sử dụng sao cho đúng.

Tham khảo thêm:

  • Nghĩa tường minh là gì? nghĩa hàm ý là gì?
  • Phương châm về chất là gì? phương châm về lượng là gì?

Các loại thành phần biệt lập

Thành phần biệt lập gọi đáp là gì?

Thành phần gọi đáp là thành phần biệt lập được dùng trong các câu gọi đáp, giúp duy trì mối quan hệ của chủ thể được đề cập trong câu.

Thành phần biệt lập gọi đáp là gì?
Thành phần biệt lập gọi đáp là gì?

Ví dụ:

-Minh ơi, tớ trả cậu cái bút này! -> Thành phần biệt lập là từ “ơi”

“Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” -> Thành phần biệt lập là từ “hỡi”

Thành phần biệt lập phụ chú là gì?

Thành phần phụ chú là thành phần được bổ sung trong câu để bổ sung thông tin, liệt kê và chú giải để câu rõ nghĩa hơn. Thành phần phụ chú có thể được thể hiện dưới dạng một từ hoặc một câu. Được nhận diện bằng dấu phẩy “,”, dấu hai chấm “:”, dấu gạch ngang “-“ hay hai dấu ngoặc tròn ().

Thành phần biệt lập phụ chú là gì?
Thành phần biệt lập phụ chú là gì?

Ví dụ:

-Cô Hoa – cô giáo dạy Toán lớp em – vừa dịu dàng lại vừa dạy rất giỏi.

Thành phần phụ chú trong câu là “cô giáo dạy Toán lớp em”, được dùng để giúp người đọc, người nghe hiểu hơn cô Hoa là ai.

-Hoa Tulip (một loài hoa xuất xứ Trung Đông) luôn được coi là biểu tượng của đất nước Hà Lan xinh đẹp.

Thành phần phụ chú “một loài hoa xuất xứ Trung Đông” giúp bổ sung thêm thông tin về loài hoa Tulip và được đặt trong dấu ngoặc tròn.

-Bạn Mai, con cô Thúy, là học sinh giỏi nhất lớp em.

“Con cô Thúy” là thành phần phụ chú giúp người nghe hiểu hơn về bạn Mai và được đặt giữa hai dấu phẩy.

-Trong khu vườn, trăm hoa đua nở báo hiệu mùa xuân đang đến: hoa mai, hoa đào, hoa cúc, hoa lan…

Sau dấu hai chấm là thành phần phụ chú “hoa mai, hoa đào, hoa cúc, hoa lan” giúp liệt kê các loài hoa trong khu vườn.

Thành phần biệt lập tình thái là gì?

Thành phần tình thái là thành phần biệt lập giúp thể hiện thái độ, cách nhìn nhận vấn đề, cảm xúc của người nói, người viết. Thể hiện qua các từ ngữ sau với mức độ tin cậy tăng dần: Dường như/ hình như/ Có vẻ như/ Có lẽ/ Chắc là/ Chắc hẳn/ Chắc chắn.

Thành phần biệt lập tình thái là gì?
Thành phần biệt lập tình thái là gì?

Ví dụ:

-Hình như trời sắp đổ cơn mưa to.

“Hình như” thể hiện sự không chắc chắn về việc trời mưa.

-Hôm nay chắc chắn Minh sẽ đến lớp, bạn ấy nói với mình như vậy

Từ “chắc chắn” thể hiện sự khẳng định của người nói về khả năng xảy ra ở mức rất cao của một sự việc nào đó

Thành phần biệt lập cảm thán là gì?

Thành phần biệt lập cảm thán là thành phần biệt lập được thêm vào trong câu để giúp người nói, người viết bộc lộ các trạng thái cảm xúc và tâm lý của mình đối với sự vật, hiện tượng được đề cập đến.

-Chà, con gái mẹ Hoa khéo tay quá nhỉ, còn biết giúp mẹ nấu cơm cơ đấy.

“Chà” bộc lộ sự ngợi khen, ngạc nhiên của người nói

-Trời ơi, con mèo phá hỏng bộ sáp màu tớ mới mua rồi.

“Trời ơi” thể hiện sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của người nói

-Chao ôi, bầu trời hôm nay mới trong xanh làm sao!

“Chao ôi” thể hiện sự ngạc nhiên của người nói

Cách nhận biết thành phần biệt lập

Để nhận biết các thành phần biệt lập trong một câu, các em chú ý đến những dấu hiệu sau:

Thành phần tình thái: Dựa trên thái độ, cảm xúc, cách nhìn nhận vấn đề của người nói trong câu.

Thành phần cảm thán: Dựa trên tâm lý, thái độ của người nói

Thành phần phụ chú: Nhận biết qua các dấu câu, giúp bổ sung thêm thông tin cho câu nói, có thể bỏ đi mà không làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu

Thành phần gọi đáp: Dựa trên mối quan hệ giao tiếp trong câu.

Một số lưu ý

1. Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu

VD: Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.

2. Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lý của người nói (vui, mừng, buồn, giận…)

VD: Ồ, sao mà độ ấy vui thế!

3. Thành phần gọi- đáp được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp

VD: Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ.

4. Thành phần phụ chú: được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu.

VD: Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh- và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi.

5. Điểm giống nhau và khác nhau giữa thành phần tình thái và cảm thán

Hai thành phần biệt lập là tình thái và cảm thán có nhiều điểm giống nhau và khác nhau, các bạn rất dễ nhầm lẫn giữa 2 thành phần này.

– Điểm giống nhau:

+ Đều không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của câu.

+ Đều không tham gia vào cấu trúc ngữ pháp của câu.

– Điểm khác nhau:

+ Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.

+ Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lý của người nói trong câu.

Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết! Qua những khái niệm và những ví dụ minh dọa dễ hiểu hy vọng đã giúp các bạn hiểu rõ thành phần biệt lập là gì? cách nhận biệt các thành phần biệt lập trong câu.

Hãy theo dõi khuyenhocvietnam.com để có thêm những kiến thức văn học hay và bổ ích. Để lại đánh giá 5* nếu thấy bài viết hữu ích, xin cảm ơn!