“Thế giới Kinh Bắc” trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm

sách, văn mẫu, kiến thức online

Đề bài: Em hãy nêu  “thế giới Kinh Bắc” trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm

Chất liệu của văn thơ là hiện thực đời sống, nếu nhà văn phản ánh hiện thực đời sống bằng những trang văn, cốt truyện thì nhà thơ cũng dùng những hiện thực cuộc sống, những vùng văn hóa để thể hiện trong thơ của mình. Hoàng Cầm một con người sinh ra tại mảnh đất Kinh Bắc Bắc Ninh đầy văn hóa truyền thống. Bài thơ Bên kia sông Đuống được nhà thơ xây dựng với những nét văn hóa truyền thống mang đến cho người đọc một “thế giới Kinh bắc” với thiên nhiên và con người và các loại hình nghệ thuật.
Trước hết là thiên nhiên, nhắc đến thiên nhiên Kinh Bắc người ta không khỏi nhắc đến con sông Đuống trải dài khắp mấy huyện của tỉnh. Ở đây Hoàng Cầm cũng không quên nhắc đến con sông Đuống với màu sắc long lanh của nước và hình dáng nghiêng nghiêng được chiếu chụp từ góc độ trên cao:

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc

Ven con sông ấy là những bãi mía nương dâu xanh ngát một màu, những luống ngô luống khoai biêng biếc.

Thứ hai, Hoàng Cầm giới thiệu cho người đọc những nét văn hóa như tranh Đông hồ vẽ gà, vẽ lợn, đám cưới chuột:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
………..
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?

Đến với xử sở Kinh Bắc có truyền thống văn hóa lâu đời, người ta được chiêm ngưỡng những bức tranh Đông Hồ dân gian, giản dị nhưng mang đậm chất truyền thống và giàu ý nghĩa. Những hình ảnh gà lợn, đám cưới chuột tưng bừng rộn rã được in, vẽ lên những giấy điệp. Nó làm “sáng bừng” màu dân tộc.

Không chỉ là nét đẹp tranh Đông Hồ, Hoàng cầm còn mang đến thế giới Kinh Bắc với những địa danh chùa chiền nổi tiếng, với chiếc áo the đen đã sống cùng người Bắc Ninh hàng trăm năm nay, với những hội hè đình đám, tục ăn trầu và trang phục quần nâu giản dị của người con gái Bắc Ninh:

Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai

Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?

Những nàng môi cắn chỉ quết trầu

Trang phục hội hè của người Kinh Bắc cùng với hàng loạt đia danh đã mang đến cho người đọc những cái nhìn toàn cảnh về xứ sở linh thiêng với những địa danh chủa chiền nổi tiếng. Tiếp đó Hoàng Cầm còn dẫn dắt người đọc đến với những vẻ đẹp của người con gái Kinh Bắc, mặt búp sen, tục nhuộm răng khiến cho những cô hàng xen luôn tỏa nắng khi cười:

Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu

Bắc Ninh không chỉ đẹp bởi lễ hội, trang phục mà còn đẹp bởi cuộc sống sinh hoạt đời thường và những làng nghề nổi tiếng. Nào chợ Hồ, chợ Sủi rồi lại đến Bãi Trầm, nhân dân Bắc Ninh bao đời nay sống hòa bình yên ổn. Làng nghề lụa mầu, thợ nhuộm nổi tiếng cũng được nhà thơ nhắc đến.

Quê hương Kinh Bắc đẹp về truyền thống văn hóa lễ hội, nhưn cũng đẹp về con người. Trong thế giới Kinh Bắc của mình, Hoàng Cầm không quên khắc họa những năm tháng khốn khó của nhân dân Kinh Bắc để thấy được những phẩm chất tốt đẹp của con người Bắc Ninh. Ngày giặc đến quê hương, ruộng nương khô cháy, tan tác những làng nghề, đau thương cả một vùng quê lớn. Người mẹ già vẫn kiên cố gánh hàng rong kiếm sống nuôi gia đình, hình ảnh chân mẹ bước thấp bước cao khiến ai cũng phải rơi nước mắt. Người vợ trẻ không được sống bên cạnh chồng, một tay nuôi nấng đàn con thơ, người con trai lên đường đi diệt giặc. Ngày bà hát ru cháu để dạy cháu về mối thù giết cha mà bọn giặc đã gây ra, mai này con lớn lên phải đòi lại món nợ đó. Trong kháng chiến trường kì, tất thảy những con người Bắc ninh từ già trẻ, gái trai đều chiến đấu đến cùng. Chiến đầu vì tự do độc và vì:

Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh

Có thể nói nhà thơ Hoàng Cầm đã mang đến cho bạn đọc bốn phương về một thế giới Kinh Bắc đầy những nét đẹp về bản sắc văn hóa lâu đời lại vừa đẹp về truyền thống yêu nước, căm thù giặc. Thiên nhiên Kinh Bắc, con người Kinh Bắc luôn vững bền, quyết chí chống lại sự tàn phá của chiến tranh.