Bàn về thơ, nhà phê bình văn học người Nga, Bi-ê-lin xki cho rằng: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” Anh chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Hãy phân tích và làm sáng tỏ qua những tác phẩm thơ đã học trong sách ngữ văn 12 nâng cao tập một
Ta luôn bắt gặp những tâm hồn thơ, những cảm xúc của thi sĩ trong những sáng tác của họ. Không chỉ truyện ngắn phản ánh cuộc đời mà cả thơ cũng phản ánh cuộc đời. Bàn về thơ nhà phê bình văn học người Nga, Bi-ê-lin-xki cho rằng: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Câu nói của nhà phê bình Bi-ê-lin-xki có nghĩa rằng thơ đầu tiên là cuộc đời, nói cách khác cuộc đời là cơ sở để làm nên thơ, trong thơ có cuộc đời, trong cuộc đời có thơ. Sau đó thơ mới là nghệ thuật. Bình thường chúng ta hay nói thơ là tiếng nói của cảm xúc, nó thuộc về những rung động trái tim, thuộc về cả sự nhịp nhàng dao động của những dây thần kinh cảm giác. Thế nhưng những rung cảm ấy từ đâu ra, những dao động kia tại sao mà có?. Từ cuộc đời nhà thơ cảm xúc yêu ghét, thương, nhớ, buồn, tủi, hỉ, nộ, ái, ố, lạc. Sau đó nhà thơ đưa vào thơ, dùng những biện pháp nghệ thuật của thơ, hiệp vần, chơi chữ, ghép từ, hình thành câu để làm nên một bài thơ mang tính nghệ thuật và tràn đầy cảm xúc.
Trước hết thơ chính là cuộc đời, ở đây có cả cuộc đời chung của loài người lại vừa có cuộc đời riêng của mình tác giả. Từ những sự việc xảy ra trong cuộc đời, từ thiên nhiên, từ cách ứng xử của con người với nhau, từ quê hương, từ đất nước…nhà thơ dâng trào cảm xúc về những thứ ấy, quê hương thân thương khiến cho nhà thơ muốn cất lên những câu thơ ca tụng, bày tỏ tấm lòng của mình trước cuộc đời. Nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện tình cảm dân tộc thân thương đáng quý chẳng khác nào tình anh em trong một gia đình:
Em nhớ anh con người anh du kích
….
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Tố Hữu từng thể hiện tình cảm của mình nói riêng và của những chiến sĩ nói chung với những người dân Việt Bắc. Buổi chia tay quyến luyến, bịn rịn. Không những thế qua những bài thơ ấy ta thấy được hoàn cảnh của đất nước, chiến tranh ác liệt nhưng lòng người Việt Nam bao giờ cũng chan chứa tình yêu thương.
Không chỉ là cuộc đời chung mà thơ còn là cuộc đời của tác giả. Qua những bài thơ ta thấy được tình cảm, tâm hồn của những nhà thi sĩ. Qua bài thơ Tây Tiến ta thấy được nỗi lòng, cuộc đời của nhà thơ Quang Dũng. Nhà thơ từng là một thành viên trong binh đoàn Tây Tiến và giờ đây thi sĩ đang nhớ tới những đồng đội thân yêu của mình. Chắc chắc Tố Hữu là một trong những người chiến sĩ làm việc ở Việt Bắc nên mới có thể thấu hết những tình cảm thân thương của tình quân dân.
Thơ là cuộc đời, sau đó thơ là nghệ thuật. Bằng những sự việc hiện tượng đời thường, từ những rung động của trái tim trước những sự việc ấy, những người thi sĩ có tài sử dụng con chữ đã dùng những biện pháp nghệ thuật của thơ như hiệp vần, điệp, đảo ngữ, so sánh hay dùng từ láy…để làm nổi bật câu chuyện, cảm xúc của mình. Nhà thơ gửi gắm vào đó những tâm tư tình cảm của cá nhân mình. Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng thể thơ tự do, lời thơ dài ngắn khác nhau, điệp từ điệp ngữ để làm nên thi phẩm Đất Nước vừa trữ tình lại vừa thấm chất chính luận. Cùng viết về đề tài Đất Nước nhưng Nguyễn Đình Thi cũng không hề kém cạnh khi sử dụng thể thơ năm chữ, hình ảnh thơ giàu sức gợi, nghệ thuật điệp từ, nhân hóa, ẩn dụ để nhấn mạnh câu chuyện của đất nước hồn hậu bị giặc xâm chiếm.
Như vậy, qua đây ta có thể thấy rằng lời nhận xét của nhà phê bình Nga thật chính xác và đầy đủ. Thơ không chỉ là tiếng lòng, mà thơ còn là cuộc đời chung của con người, cuộc đời riêng của tác giả. Chỉ khi tác giả rung cảm với đời, dao động với người thì lúc ấy mới có những bài thơ nghệ thuật.
Leave a Reply