Đề bài: Ca dao có câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Em hãy giải thích câu ca dao và nêu những suy nghĩ của em về công ơn của cha mẹ
Trong kho tàng ca dao của Việt Nam có rất nhiều những câu ca dao hay viết về tình cảm gia đình, đó là tình cảm thiêng liêng nhất, bởi vậy mà các giả dân gian luôn thể hiện thái độ trân trọng nhất khi thể hiện tình cảm này. Trong mảng đề tài viết về chủ đề gia đình, có thể nói ca dao về tình cảm phụ tử, mẫu tử chiếm số lượng chủ đạo. Ca dao đi khai thác những tình cảm thương yêu, cao cả của những đấng sinh thành dành cho con của mình. Ta có thể thấy được sự thiêng liêng của tình phụ mẫu qua câu ca dao sau: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Gia đình là mái ấm của tình yêu thương, là nơi mà con người cảm thấy an toàn, được chở che mối khi gặp những khó khăn trong cuộc sống. Bởi trong mái ấm ấy có những người mà ta yêu thương, có vòng tay ấm áp, chở che cùng tình yêu vô bờ bến của bố mẹ. Bố mẹ là những người cho ta sự sống, người không quản những khó nhọc, hi sinh cả cuộc đời để những đứa con có thể trưởng thành, khôn lớn thành người. Bố mẹ là người dành cho chúng ta thứ tình cảm yêu thương chân thành, thiêng liêng hơn bất kì thứ tình cảm nào trên đời. Nhận thức được tình cảm ấy, tấm lòng bao la trời bể ấy của bố mẹ, các tác giả dân gian đã khẳng định tình phụ mẫu qua câu ca dao:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Câu ca dao là lời ngợi ca, nhưng đồng thời cũng là một lời khẳng định đầy chắc chắn về tình cảm của những đấng sinh thành, những người phụ mẫu đối với con cái của mình. Đó là tình cảm chân thành, là tấm lòng bao la rộng lớn, là những hi sinh thầm lặng vì những đứa con thơ. Công lao của cha mẹ trong câu ca dao này được hình tượng hóa thông qua những biểu tượng vô cùng ý nghĩa, đó là núi Thái Sơn và nước trong nguồn. Qua câu ca dao khẳng định công lao của bố mẹ là lời nhắc nhở đầy nghiêm khắc đến những người con.
“Núi Thái Sơn” là một ngọn núi cao nổi tiếng nằm ở tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, khó có thể đo lường hết được độ cao của nó, cũng như không thể đong đếm được tình cha đối với con cái của mình. Cha là trụ cột trong gia đình, cả theo nghĩa vật chất và tinh thần, là người đàn ông đáng tin cậy nhất trên đời của những đứa con. Cha không chỉ lao động nuôi cả gia đình, mà còn là một người cha luôn cho chúng ta những lời khuyên ý nghĩa, sâu sắc. “Nước trong nguồn” là nước được chảy ra từ đầu nguồn của một con sông, con suối. Tình mẹ cũng dạt dào, mát trong như nước chảy ra từ trong nguồn.
Mẹ là người phụ nữ tần tảo hi sinh cả cuộc đời để sinh ra, chăm sóc, nuôi nấng những đứa con. Đối với mỗi người con mà nói, mẹ là người gần gũi, thân cận, yêu thương hơn ai hết trên đời. Người không bao giờ quay lưng với ta mà luôn yêu thương vô bờ, tin tưởng vô điều kiện. Ở đây, không phải ngẫu nhiên mà tác giả dân gian sử dụng hình ảnh núi Thái Sơn để nói về công lao của cha, nước trong nguồn để nói về tình thương của mẹ.
Núi Thái Sơn không nói đến độ cao không thể đo đếm, ước chừng thì đó còn bởi sự lặng lẽ, thâm trầm của nó cũng như sự hi sinh lặng lẽ, âm thầm của cha. Cha thường là người ít nói mà thường thể hiện tình thương với con cái bằng hành động, có lẽ bởi vậy mà nếu không cảm nhận bằng trái tim thì ta sẽ có xu hướng thân thiết với mẹ hơn với cha. Ngược lại, mẹ là người luôn ở bên, quan tâm đến từng bữa ăn giấc ngủ, tình cảm của mẹ cũng dạt dào, bao la cũng như nước chảy ra từ trong nguồn, trong mát tốt lành có thể tưới mát những tâm hồn thơ dại của những đứa con.
Mỗi người chúng ta đều lớn lên bởi sự hi sinh thầm lặng của cha, trong tình thương không bờ bến của mẹ. Sinh ra và nuôi nấng chúng ta thành người là một quá trình không hề đơn giản, bố mẹ hi sinh cả cuộc đời để mong cho những đứa con có thể trưởng thành, lớn khôn. Bởi vậy mà mỗi người con cũng phải có trách nhiệm báo hiếu công ơn nuôi dưỡng ấy:
“Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Tham khảo thêm những bài văn mẫu hay về câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn…Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Hãy xem văn mẫu là tài liệu tham khảo và sáng tạo ra bài văn của mình các em nhé.
Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn…Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Em hãy bình luận bài ca dao sau: “ Công cha như núi Thái Sơn… Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Leave a Reply