Đề bài: Từ xưa đến nay, cha ông ta luôn coi văn học là một vũ khí chiến đấu mạnh mẽ và sắc bén. Anh chị hãy làm sáng tỏ quan niệm đó?
Cha ông ta từ xưa đến nay luôn quan niệm rằng vă học là một vũ khí chiến đấu mạnh mẽ và sắc bén. Hồ Chí Minh từng nói “Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận và anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Văn học là vũ khí chiến đấu đắc lực để phục vụ cho kháng chiến, cho cách mạng, những nhà văn dùng bút để chiến đấu tư tưởng chính nghĩa với bọn giặc, để góp phần vào thắng lợi chính trị, quân sự.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, các bậc nho sĩ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu hay vị tướng quân như Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo đều sử dụng văn học như một vũ khí để chiến đấu với kẻ thù. Nhà thơ Nguyễn Trãi – một quân sư tài ba đã dùng trí tài của mình phục vụ biết bao nhiêu vị tướng quân. Tiêu biểu trong những bài văn chiến đấu của nhà thơ, Bình ngô đại cáo là một bài thơ tiêu biểu nhất, nổi bật nhất. Bài cáo được coi là một áng thiên cổ hùng văn. Ở đó nhà thơ nêu lên việc nhân nghĩa của đạo nho và chủ quyền của dân tộc Việt Nam ta từ trước đến nay. Sau đó nhà thơ tiếp tục vạch trần âm mưu và tội ác của giặc Minh khi mang quân sang xâm chiếm nước ta. Phần tác giả lại kể về vua Lê khi có lòng cứu nước, dốc hết sức mình, những khó khăn buổi đầu và kiên trì cuối cùng đã đánh cho chúng tan tác tro bay, máu chảy thành sông “tanh trôi vạn dặm”. Không những thế chúng ta còn luôn giữ nhân nghĩa, khi chúng thua chúng ta còn cấp ngựa thuyền cho chúng trở về nước. Có thể nói bài cáo không chỉ thông báo cho nhân dân được biết về sự thắng lợi vẻ vang của dân tộc mà nó còn là lời cảnh tỉnh bọn xâm lược ngang tàng nhưng nhát gan và ngu dốt. Hay Nguyễn Đình Chiểu cũng viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc phần để tế những linh hồn đã mất, phần để nêu cao đạo lý chí khí và kể tội quân thù. Trần Hưng Đạo đại vương cũng gửi gắm tấm lòng yêu nước căm thù giặc của mình qua Hịch tướng sĩ, để từ đó kêu gọi tinh thần yêu nước của binh lính. Nói chung văn học thời kì này không chỉ đánh trực tiếp vào tư tưởng của kẻ thù mà còn khơi dậy niềm tự tôn dân tộc, tình yêu nước nhà của con người Việt.
Không chỉ thế, cho đến khi nhân dân ta phải sống trong cảnh đô hộ của Pháp và sau này là sự xâm lược của Mỹ, văn học vẫn trở thành một vũ khí chiến đấu không đao to búa lớn nhưng lại có sức mạnh vô cùng lớn. Tiêu biểu có chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dùng văn chương của mình để đấu tranh tư tưởng với quân xâm lược. Những áng văn chính luận của Người tiêu biểu có Những trò lố hay Va ren và Phan Bội châu, tuyên ngôn độc lập, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến…Ở mỗi tác phẩm Hồ Chí Minh đều viết rất ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, lập luận sắc bén khiến cho kẻ thù không khỏi giật mình trước những tội ác tày trời của chúng, những luận điệu xảo trá của chúng trước quốc tế cũng bị vạch trần. Không những thế, các tác phẩm trong thời kì này đều mang đậm cảm hứng yêu nước và khuynh hướng sử thi. Các nhà văn bắt tay vào viết những bài thơ, những truyện ngắn về đề tài chiến tranh, đất nước, quê hương. Những cái tên nổi bật như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thi…đều có những tác phẩm vạch trần tội ác của thực dân đế quốc và nêu cao khơi dậy tinh thần yêu nước căm thù giặc cho nhân dân Việt Nam.
Qua đây có thể khẳng định rằng, văn học luôn có chức năng, vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ đất nước. Từ xưa đến nay văn học vẫn luôn là một vũ khí sắc bén và có sức mạnh vô cùng lớn để giúp cho quân và dân ta đấu tranh tư tưởng với lũ giặc.
Leave a Reply