Viết bài văn nghị luận ca ngợi tấm gương cưu mang, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật

Đề bài: Nhiều tấm gương cưu mang, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật xuất hiện trong cộng đồng. Viết một bài văn nghị luận ca ngợi nét đẹp đó của cộng đồng

Chung tay vì người nghèo

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế và xã hội đang ngày càng phát triển. Cùng với đó là đời sống của người dân cũng ngày càng được cải thiện, nâng cao, con người hiện đại không chỉ được sống đầy đủ về vật chất mà còn có đời sống tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng. Nhưng bất cứ một sự phát triển nào cũng sẽ tồn tại mặt trái của nó, ở đây ta sẽ không nói đến những ảnh hưởng về môi trường mà nói đến sự phân chia giàu nghèo trong xã hội Việt Nam ngày nay, bên cạnh những người giàu thì vẫn còn không ít những người nghèo đói, bên cạnh những người có một cuộc sống no ấm, đủ đầy thì cũng có không ít những con người có hoàn cảnh bất hạnh, cần sự giúp đỡ của xã hội. Điều đáng tự hào nhất là dù trong thời đại nào đi chăng nữa thì người dân Việt Nam luôn phát huy được tinh thần thương yêu, giúp đỡ “lá lành đùm lá rách”, những tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện vẫn đang ngày ngày giúp đỡ góp phần làm cho cuộc sống của những người bất hạnh giảm bớt những khó khăn, tiếp thêm những nghị lực để họ vươn lên trong cuộc sống.

Điều ta không thể phủ nhận đó là cuộc sống của người dân Việt Nam đang ngày càng được thay đổi một cách rõ rệt, đó là những thay đổi theo hướng tích cực. Đời sống của người dân được cải thiện cả về vật chất cũng như tinh thần, nhưng mặt trái của sự phát triển ta cũng không thể không kể đến, đó là khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng được nới rộng, bên cạnh cuộc sống thành thị đủ đầy về vật chất thì cuộc sống của những người dân vùng sâu vùng xa vẫn gặp vô vàn những khó khăn, thiếu thốn cả về cái ăn và cái mặc. Trẻ em đến tuổi nhưng không có đủ điều kiện để đi học, nên trình độ dân trí thấp, đây là một trong những nan giải mà Đảng và nhà nước trong những năm gần đây tích cực đưa ra những phương hướng giải quyết.

Không chỉ ở những khu vực vùng sâu vùng xa, mà ngay ở khu vực đồng bằng vẫn có vô số những hoàn cảnh bất hạnh, éo le trong cuộc sống, đó là những trẻ em mồ côi, lang thang trong nơi cơ nhỡ vẫn hàng ngày mưu sinh, mặc dù tuổi đời còn rất nhỏ. Một trong những tình trạng đáng báo động hiện nay đó là thực trạng những đứa trẻ bị bỏ rơi ngày càng nhiều, các em bị bỏ rơi từ khi vừa mới lọt lòng, mà theo điều tra thì phần lớn các vụ bỏ rơi con cái là do những bà mẹ trẻ chưa đến tuổi thành niên, mang thai ngoài ý muốn, vì sợ những dị nghị của xã hội, hoặc cũng có thể sợ những bất lợi trong cuộc sống mà họ đang tâm vứt bỏ những đứa con máu mủ ruột rà của mình.

Trong những năm gần đây, lối sống của thanh niên ngày càng cởi mở, song lại thiếu trầm trọng những kiến thức về bảo vệ phòng tránh cũng như sức khỏe sinh sản trước hôn nhân nên những vụ việc bỏ rơi con, phá thai đã trở nên vô cùng phổ biến. Thậm chí, ở Huế còn có một nghĩa trang dành cho những hài nhi vô tội còn chưa kịp thành hình đã bị mẹ vứt bỏ, con số lên đến hàng chục nghìn khiến cho chúng ta không khỏi xót xa, đau đớn. Những đứa trẻ may mắn hơn được sinh ra đời thì lại bị chính người mẹ ruột của mình vứt bỏ một cách nhẫn tâm nhất.

Vụ việc đau lòng được dư luận biết đến nhiều nhất có lẽ là về em Nguyễn Thiện Nhân, em bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Nhưng cùng với những người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con cái của mình thì vẫn còn đó rất nhiều những tấm lòng thân ái, thiện nguyện vì tình yêu thương đối với con người, vì sự vị tha nhân hậu trong tâm hồn mà họ sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những con người bất hạnh, trong khi cuộc sống của học cũng còn đầy những khó khăn về vật chất, về mưu sinh. Tấm gương về tấm lòng nhân hậu, thiện nguyện mà tôi nói đến ở đây là về trường hợp của chị Trần Mai Anh, là một người mẹ của ba đứa con nhỏ. Vì thương cảm trước hoàn cảnh của bé Nguyễn Thiện Nhân mà chị đã nhận nuôi và cưu mang em trong suốt chín năm nay.

Vào năm 2006, dư luận Việt Nam chấn động bởi vụ việc một em bé sơ sinh bị bỏ rơi ở trên núi Thành, tỉnh Quảng Nam, khi được người dân phát hiện thì em đã rất yếu bởi em bị thú rừng ăn mất một chân và cả bộ phận sinh dụng. Khi được đưa vào bệnh viện tình trạng của em vô cùng nguy kịch vì vết thương quá nặng, lại còn quá nhỏ. Nhưng điều thần kì đã xảy ra với em, sau ba ngày điều trị thì em đã có dấu hiệu được phục hồi. Sau đó em được chăm sóc bằng quỹ nhân ái của nhà nước và các nhà hảo tâm, em dần lớn lên. Mọi người cũng đặt cho em một cái tên vô cùng ý nghĩa, đó là Thiện Nhân, với mong muốn em luôn mang theo bên mình điều thiện, lòng nhân và tương lai sẽ mỉm cười với em.

Đến hai năm sau, mẹ của em bây giờ là chị Trần Mai Anh đã đến và nhận em làm con nuôi. Chị Mai Anh là một công chức nhỏ sinh sống ở Hà Nội, chị cũng có hai cậu con trai kháu khỉnh, hoàn cảnh gia đình cũng bình thường không phải quá khá giả nhưng chị Mai Anh vẫn quyết định nhận nuôi bé Thiện Nhân, vì thương cảm cho số phận của em và muốn thay bố mẹ của em nuôi dưỡng em nên người. Bé Nhân dù đã hai tuổi nhưng vết thương ngày nào vẫn cần được điều trị, vì vậy mà từ khi nhận nuôi bé Thiện Nhân, chị Mai Anh liên tục ở bên cạnh con để làm những cuộc phẫu thuật đầy đau đớn. Năm 2008, được sự giúp đỡ của ông Greig Craft- Giám đốc quỹ phòng chống thương vong Châu Á, chị đã đưa bé Thiện Nhân ra nước ngoài làm phẫu thuật tái tạo lại bộ phận sinh dục.

Thật may mắn khi cuộc phẫu thuật thành công hơn mong đợi, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, mẹ Mai Anh luôn ở bên Thiện Nhân, và em đã chứng minh sức sống mạnh mẽ của mình, bởi em trải qua bao nhiêu đau đớn, bất hạnh của cuộc đời mình để lớn lên mạnh khỏe, đáng yêu và giờ đây em đã trở thành một cậu bé chín tuổi thông minh, năng động. Và cảm động trước sức sống, nghị lực mạnh mẽ ở em, mọi người vẫn thường gọi em với cái tên vô cùng thân thương là “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân.

Em bất hạnh từ khi mới sinh ra và chịu nhiều đau khổ mà đáng ra không nên có ở một đứa trẻ như em . Nhưng cuộc sống cuối cùng cũng mở ra với em kể từ khi em trở thành con trai của mẹ Trần Mai Anh, bởi từ đây em có một gia đình thực sự, có bố, có mẹ, có anh trai và em nhận được tình yêu thương vô bờ của mình. Kể từ ngày nhận nuôi em, mẹ Mai Anh vất vả hơn rất nhiều bởi thường xuyên phải túc trực, động viên em trong những cuộc phẫu thuật, rồi bay từ nước này qua nước khác chỉ mong em có thể phục hồi, có một cuộc sống như những đứa trẻ bình thường.

Những khó khăn của chị Mai Anh đâu có thể một hai câu nói có thể kể được hết nhưng ta có thể cảm nhận được ánh sáng ấm áp của tình thương yêu, chị đã dùng tình thương của một người mẹ để mở ra một con đường mới cho em, cho em một gia đình, một cuộc sống như những bạn bè cùng trang lứa, từng tiếng nói, bước đi của em càng làm ta cảm động về tấm lòng của chị Mai Anh cũng như sự kiên cường ở chú lính trì nhỏ Thiện Nhân. Dù chỉ có một chân nhưng Thiện Nhân vẫn có thể chạy nhanh nhất lớp, có thể di chuyển, đó chẳng phải điều quá kì diệu ở một đứa trẻ ư. Sống là để yêu thương, vì vậy chúng ta hãy mở rộng tấm lòng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn ta, giúp đỡ họ trong cuộc sống, phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc.

Xem thêm những bài văn mẫu hay

Có thể bạn chưa biết: 

Ngày vì người nghèo là ngày nào?

Với tinh thần ” Lá lành đùm lá rách” từ năm 2000 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động  “Ngày vì người nghèo” được trên phạm vi cả nước và quyết định lấy ngày 17/10 hàng năm là “Ngày vì người nghèo”.