Đề bài: Bạn em say mê học Toán nhưng chưa thích học Văn. Em hãy góp ý với bạn để giúp bạn học tập toàn diện hơn và đạt kết quả cao hơn
Học tập là một quá trình lĩnh hội kiến thức, mang đến những hiểu biết toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống như: xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị….Đó là những mục đích mà giáo dục muốn mang đến cho các thế hệ học sinh, thông qua việc đào tạo ở các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hay hệ cao đẳng đại học thì suy cho cùng mục đích cũng nhằm phát triển toàn diện ở người học, bồi dưỡng những kĩ năng, năng lực cần thiết trong cuộc sống, đồng thời thông qua việc học tập thì người học cũng dần hình thành nhân cách tốt đẹp, trở thành những người có ích cho xã hội. Nhưng, hiện nay có một bộ phận không nhỏ những bạn học sinh không chú trọng học tập tốt các môn học mà chỉ học thiên về những môn mình có năng khiếu, những môn mình cho là xã hội đang cần hay đơn giản chỉ học thiên về những môn mà mình sẽ thi đại học. Một trong số những bạn đang có suy nghĩ lệch lạc ấy có bạn thân của em- bạn Minh.
Quá trình đào tạo của bộ giáo dục đề ra cho học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông đều phát triển dực trên hai khối bộ môn, đó là những môn tự nhiên như: toán, lí, hóa, sinh…và những môn xã hội như: ngữ văn, lịch sử, địa lí, giáo dục công dân…Mục đích của việc đào tạo cả hai phân môn tự nhiên và xã hội như vậy nhằm mục đích rèn luyện, bồi dưỡng ở các bạn học sinh không chỉ những kiến thức về xã hội mà cả những kiến thức về tự nhiên. Không chỉ mang tư duy lí tính mà còn góp phần hình thành nên tư duy cảm tính.
Đó là những điều vô cùng cần thiết đối với một con người, góp phần hình thành nên năng lực cũng như nhân cách của người học sinh. Đó cũng là đào tạo ra những người công dân có ý thức, có trách nhiệm, có năng lực cho xã hội để không chỉ biết cố gắng phát triển bản thân mà còn cống hiến, nỗ lực vì sự phát triển chung của cả cộng đồng. Nói như vậy để chúng ta có thể nhận thức được đầy đủ vai trò của những môn học được đưa vào trong chương trình giáo dục, không hề là ngẫu nhiên mà bộ giáo dục lựa chọn những môn học này để đào tạo học sinh, mà đều có những căn cứ khoa học, có những lí do hợp lí, thích đáng.
Viết một bài văn góp ý với một người bạn say mê học Toán nhưng chưa thích học VănTrong thực tế giáo dục, học sinh thường có xu hướng thiên hơn về hoặc là các bộ môn xã hội, hoặc là những bộ môn tự nhiên. Có rất ít những bạn có thể yêu thích và học đồng đều được tất cả các môn giống nhau. Vì vậy mà xảy ra tình trạng, có thể bạn A học rất giỏi môn Toán nhưng môn Ngữ văn lại không được tốt lắm. Hay như bạn B có khả năng cảm thụ văn học rất tốt nhưng lại rất yếu về tính toán. Và một thực trạng đáng buồn nữa đó chính là sự nảy sinh xung đột giữa các bạn ban tự nhiên và các bạn ban xã hội.
Để đào tạo tốt hơn cho các bạn học sinh nên hầu như trường trung học phổ thông nào cũng phân chia các lớp học sinh theo khối, có khối A gồm Toán – Lí- Hóa, khối B gồm Toán- Hóa – Sinh, khối C Văn- Sử- Địa hay khối D gồm Toán- Văn- Anh. Sự phân chia này giúp học sinh được đòa tạo chuyên sâu hơn về những môn học mình có năng khiếu. Nhưng vô hình chung, chính sự phân chia như vậy đã tạo ra sự mất cân bằng ở các khối học sinh, đặc biệt, các khối học sinh còn có những xung đột không đáng có, ví dụ như những học sinh khối A sẽ chê những học sinh khối C là mơ mộng, ảo tưởng xa rời thực tiễn, khối C thì lại cho rằng những người học toán cứng nhắc, khuôn mẫu, vô vị.
Tư tưởng học thiên môn này, xem nhẹ môn khác không còn là tình trạng hiếm lạ nữa mà nó đang dần trở nên phổ biến ở một bộ phận không nhỏ những bạn học sinh. Ngay trong lớp em cũng có rất nhiều bạn có tư tưởng như vậy, một trong số đó là bạn Minh, bạn là một trong những học sinh xuất sắc nhất của lớp, thông minh, chăm ngoan là một học sinh gương mẫu, điển hình. Tuy nhiên, Minh thích học Toán nên chỉ chú trọng học toán mà chưa để ý học tập những môn học khác, điển hình nhất là môn văn. Nếu như ở tiết Toán Minh là một học sinh tích cực, thường xuyên xây dựng bài, sử dụng tư duy logic giải quyết được hầu hết những bài toán khó.
Nhưng trong tiết học Văn thì Minh lại thường xuyên bị cố giáo nhắc nhở vì hay mất tập trung, không soạn văn về nhà, không học bài cũ. Thái độ học của Minh đã được cô giáo dạy bộ môn Ngữ văn nhắc nhở rất nhiều nhưng chưa được cải thiện, qua các tiết học, Minh vẫn duy trì tình trạng học tập đình đốn của mình. Nếu không thay đổi thì Minh không chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của mình mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sau này, đó là khi thi tốt nghiệp hay thi đại học. Để giúp Minh thay đổi suy nghĩ, em đã đến nói chuyện và chia sẻ chân thành những ý kiến đóng góp của mình cho Minh.
Qua cuộc nói chuyện ấy thì em biết được Minh không thích học văn bởi vì Minh cho rằng đây là môn học rất thiếu thực tế, nhiều lí thuyết mà lại chẳng ứng dụng gì được vào cho cuộc sống, nó rất khác với tính ứng dụng khi học môn toán. Hơn nữa, Minh cho rằng ngay từ khi bước chân vào lớp Mười thì đã xác định là sẽ theo khối A, nên việc học văn càng trở nên thừa thãi, tập trung toàn bộ thời gian cho môn học mình yêu thích còn hơn là học những môn mình không thích, lại chẳng có tí lợi ích gì. Nghe Minh chia sẻ, em hiểu Minh hơn và cũng không hề trách Minh lơ là việc học như trước đó nữa, lí do Minh đưa ra khá phiến diện, nhưng em biết đây là suy nghĩ chân thực nhất của bạn. Em sẽ không nói bạn phải thế này hay phải thế kia mà em sẽ giải thích để cho bạn hiểu hơn.
Cùng với môn Toán thì môn Văn cũng là một trong hai môn học trọng tâm hàng đầu trong quá trình giáo dục học sinh. Chẳng những vậy mà từ những bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông thì môn văn vẫn là môn có thời lượng học lớn, là một trong những môn trọng điểm trong kiểm tra và đánh giá. Môn văn trong cảm nhận của nhiều người thì đó là môn học xa rời thực tiễn, nặng về lí thuyết, không có tính ứng dụng trong cuộc sống. Điều này thì em có thể khẳng định là một suy nghĩ rất phiến diện, trước hết là bộ giáo dục sẽ không bao giờ đưa một môn vô vị, không giúp ích gì cho học sinh, hơn nữa còn đặt ở vị trí trọng tâm.
Thông qua việc học tập môn Ngữ Văn, qua những câu truyện, những tình huống là những bài học sâu sắc về đạo lí, về tinh thần nhân văn, nhân đạo. Qua đó ta không chỉ biết được những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha anh ta mà còn bồi dưỡng, nâng cao ở bản thân mình những phẩm chất tốt đẹp ấy. Khác với nhận định môn văn không có tính ứng dụng thì sự ứng dụng của môn văn vào trong thực tế hữu ích không hề kém môn Toán. Trong cuộc sống ta đâu chỉ cần có biết tính toán, đo lường, mối quan hệ giữa con người có trở nên tốt đẹp hay không là do sự ứng xử, cách sống, đạo lí sống. Đó chẳng phải là những điều mà môn văn vẫn cố gắng truyền tải qua những bài học hay sao.
Học văn góp phần bồi dưỡng ở con người tình yêu, tình thương và tình yêu đối với cái đẹp. Và khi ta biết yêu thương, biết tinh tế cảm nhận cái đẹp, cái hay ở đời thì đó chẳng phải làm cho đời sống tinh thần của chúng ta trở nên phong phú hơn hay sao. Không bàn đến những ý nghĩa sâu sa của việc học môn ngữ văn thì việc học tủ, học lệch sẽ khiến cho các bạn gặp khó khăn trong những bước ngoặt của cuộc đời mình. Đó là kì thi tốt nghiệp và thi đại học trước mắt, nếu chỉ học thiên về một môn thì môn ấy dù có học tốt đến đâu đi nữa thì cũng không đạt được kết quả như mong muốn.
Vì vậy, muốn phát triển bản thân một cách toàn diện thì chúng ta không chỉ chú trọng học Toán mà phải đề cao cả việc học văn. Học không bao giờ là thừa, là vô ích nên khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì hãy luôn học tập, phấn đấu hết mình.
TỪ KHÓA TÌM KIẾM
TOÁN VÀ VĂN
TOAN VA VAN
VAI TRÒ CỦA MÔN VĂN
Ý NGHĨA VIỆC HỌC MÔN VĂN
NGỮ VĂN
Leave a Reply