Ý nghĩa của câu chuyện Chim chàng làng

Đề bài: Anh (chị) rút ra ý nghĩa của câu chuyện dưới đây và viết luận điểm chính từ câu chuyện CHIM CHÀNG LÀNG

Cuộc sống trở nên phong phú, đa dạng nhiều màu sắc bởi chính những cá nhân, cá thể tồn tại trong cuộc sống ấy. Sinh ra trên đời mỗi người đều có những tính cách, những đặc trưng riêng biệt, đó chính là dấu hiệu nhận diện sự tồn tại của từng người. Nếu như chúng ta không coi trọng những cái cá nhân của chính chúng ta mà chỉ biết học đòi, bắt chước những thứ cá tính của người khác không những chúng ta không tạo được dấu ấn với những người xung quanh mà ngược lại còn trở nên nhạt nhòa, vô nghĩa. Câu chuyện và chim Chàng làng cũng đã đề cập đến vấn đề học đòi, bắt chước những thứ của người khác mà áp đặt vào bản thân mình.

Câu chuyện về chim Chàng làng nói về một chú chim chàng làng luôn tự tin, kiêu hãnh về tiếng hót của mình so với những loài chim khác. Và điều làm chim chàng làng tự hào nhất đó là nó có thể bắt chước tiếng hót của rất nhiều loài chim khác. Đến một ngày, khi các loài chim cùng nhau tụ tập hội hè, chàng làng cho rằng đây là một dịp đặc biệt có thể phô bày giọng hót mà mình vốn rất tự hào, chú ta nhảy lên cành cây cao nhất rồi bắt đầu cất tiếng hót.

Chàng làng hót rất say sưa, bắt chước tiếng hót của rất nhiều những loài chim khác, lúc là sáo đen, khi là giọng của chích chòe, họa mi… Những chú chim có mặt ở đó đều tấm tắc khen ngợi làm cho chàng làng càng kiêu ngạo hơn. Tuy nhiên, cuối buổi biểu diễn, khi một chú chim sâu nhỏ yêu cầu Chàng làng hãy hót bằng chính giọng của mình thì chàng làng ta không tài nào hót nổi, bởi từ lâu chàng làng chỉ bắt chước giọng hót của người khác mà quên đi giọng hót của chính mình.

               Ý nghĩa của câu chuyện Chim chàng làng

Chàng làng xấu hổ cất cánh bay đi mất, câu chuyện về chim chàng làng không chỉ là một câu chuyện vui để giải trí mà nó còn mang đến nhiều bài học sâu sắc và quý giá cho chính bản thân chúng ta, đó chính là bài học về cá tính, đặc trưng riêng biệt của mỗi người, đó là những nét bản sắc tự nhiên nhất, không thể học đòi, bắt chước mà có bắt chước được đi nữa thì đó cũng chỉ là một bản sao không hoàn chỉnh và không có bất cứ một giá trị nào khác.

Chim Chàng làng hay còn gọi với cái tên khác là chim Bách Thanh. Loài chim này có một đặc trưng, đó chính là bắt chước giọng hót của những loài chim khác. Trong câu chuyện về chim chàng làng, chú chim chàng làng rất tự hào về khả năng bắt chước của mình, chú ta cũng rất kiêu ngạo và tự tin khi đứng trước tất cả bạn bè, họ hàng nhà chim để phô diễn khả năng đặc biệt này. Tuy nhiên, tự hào về khả năng bắt chước bao nhiêu thì chàng làng càng xấu hổ, ê chề bấy nhiêu khi không cất lên nổi giọng hót của chính mình.

Câu chuyện về chim chàng làng nhằm phê phán thói bắt chước, học đòi mà không chịu suy nghĩ, không sáng tạo, sao chép y nguyên bản chính mà tự đắc cho rằng đó chính là của mình. Mọi sự sao chép đều là khập khiễng, và cái gì không phải của mình thì dù có bắt chước khéo léo đến đâu thì cũng không thể hoàn chỉnh như bản gốc vốn có của nó, hơn nữa hành động bắt chước thụ động, rập khuôn còn hạn chế những màu sắc mang tính bản năng, cá tính của người bắt chước.

Trước hết, để hiểu hơn về câu chuyện, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về khái niệm bắt chước. “Bắt chước” là hoạt động học tập, sao chép theo những gì có sẵn, bản thân của từ bắt chước đã thể hiện được tính tiêu cực bởi nó chỉ rõ được tính chất rập khuôn, thụ động trong việc học tập, đó chỉ là một sự rập khuôn không hơn.

Bắt chước có thể là một thói quen được hình thành từ thời thơ ấu, nó giúp cho chúng ta nhận thức, học hỏi được nhiều thứ xung quanh, đó là yếu tố quan trọng giúp chúng ta thích nghi được với cuộc sống. Bắt chước ở gia đoạn đầu tiên của tư duy ấy là cần thiết bởi thế giới thì rộng lớn bao la mà nhận thức của chúng ta lại có giới hạn, mặt khác, dựa vào những thứ đã có rồi, đã trở thành chân lí thì chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian tìm tòi cho những hoạt động khác, thú vị thử thách hơn.

Hiểu một cách nào đó, bắt chước cũng có thể xem là một tài năng, bởi không phải ai cũng có thể bắt chước người khác, bắt chước hoàn hảo như chú chim chàng làng trong câu chuyện, tiếng hót mà chàng làng sao chép của những chú chim khác được chính những chú chim ấy công nhận, khen ngợi. Bắt chước cũng không hoàn toàn xấu khi nó chỉ dừng ở mức học tập, bắt chước trong khuôn khổ và có sự sáng tạo, chọn lọc.

Còn bắt chước rập khuôn, thụ động thì lại đáng phê bình, bởi khi ấy chúng ta đã sao chép của người khác mà nghiễm nhiên coi đó là của mình, khi người bắt chước không chịu làm mới bản thân mà chỉ đi chắp nhặt của người khác và coi đó là của mình. Chú chim chàng làng trong câu chuyện vì đi bắt chước giọng hót của những chú chim khác mà quên luôn giọng hót của chính mình.

Học hỏi những điều hay, tiến bộ ở những người xung quanh là điều nên làm nhưng chúng ta hãy học hỏi nó một cách sáng tạo, có chọn lọc, chỉ học tập những thứ phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó cũng cần tích cực phát huy những năng lực, cá tính của bản thân, bởi đó mới chính là những giá trị mà ta làm nên, những giá trị đáng trân trọng nhất.

Trong văn chương cũng có rất nhiều những gương mặt nhà văn nhà thơ thể hiện được những nét độc đáo mang tính chủ thể, những suy nghĩ đánh giá rất riêng mang màu sắc cá nhân, cùng một chủ đề quen thuộc nhưng những nhà thơ nhà văn này lại tái hiện sâu sắc được phong cách, quan niệm của cá nhân mình. Chẳng hạn cùng đi định nghĩa về tình yêu, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu mạnh mẽ, chủ động khi khẳng định:

“Đố ai định nghĩa được chữ yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Gặp người con gái thương thương ấy
Rồi nhớ rồi thương thế là yêu”

Cũng băn khoăn về tình yêu nhưng với trái tim giàu rung động và nhạy cảm của người phụ nữ, nhà thơ Xuân Quỳnh lại thể hiện được một tâm hồn đầy nữ tính khi băn khoăn về nguồn gốc của tình yêu, hướng đến thế giới tâm hồn đầy tha thiết:

“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”

Như vậy, câu chuyện về loài chim chàng làng đã mang đến cho chúng ta một bài học vô cùng sâu sắc về thói bắt chước học đòi và tầm quan trọng của việc khẳng định những giá trị mang tính cá nhân. Bắt chước không hoàn toàn là xấu nếu như chúng ta biết sáng tạo, sử dụng những thứ học tập được ấy trong một khuôn khổ nhất định, trong sự phù hợp của bản thân mình. Nhưng nếu như chúng ta rập khuôn hoàn toàn, bê nguyên những thứ của người khác làm của mình thì đáng phê bình. Câu chuyện cũng phản ánh một thực trạng trong xã hội của chúng ta ngày nay, nó là thói học đòi, nói theo, làm theo người khác, tình trạng này khá phổ biến trong học sinh hiện nay. Việc bắt chước một cách máy móc làm thui chột, “giết” đi sự sáng tạo của chính những người bắt chước. Bởi vậy bên cạnh việc học tập những điều tốt từ người khác thì chúng ta cần rèn luyện và phát triển những thứ thuộc về mình.

TỪ KHÓA TÌM KIẾM

CHIM CHÀNG LÀNG

CHIM CHANG LANG

BẮT CHƯỚC

HỌC ĐÒI

CÂU CHUYỆN VỀ CHIM CHÀNG LÀNG