Hình ảnh người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

Đề bài: Anh/chị hãy viết bài văn về hình ảnh người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

Mở bài: Giới thiệu về tác giả tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và của văn học Việt Nam thời trung đại nói chung. Với tác phẩm này, Nguyễn Đình Chiểu được xem là người đầu tiên đưa hình ảnh người nghĩa sĩ thành hình tượng trung tâm trong văn học viết của dân tộc. Bài văn tế  được tác giả viết để tưởng nhớ những nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận đánh Pháp ở Cần Giuộc trên đất Gia Định.

Thân bài: Hình ảnh người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

Bài văn tế được viết theo thể phú Đường luật, bố cục gồm bốn phần: Lung khởi, thích thực, ai vãn và kết:

Phần một: Lung khởi (từ đầu đến “tiếng vang như mõ”): Cảm tưởng khái quát về những nghĩa sĩ nông dân hi sinh trong trận Cần Giuộc.

Phần hai: Thích thực (từ “Nhớ linh xưa” đến “tàu đồng súng nổ”): Hồi tưởng về cuộc đời người nghĩa sĩ.

Phần ba: Ai vãn (từ “Ôi! Những lăm lòng nghĩa lâu dùng” đến “dật dờ trước ngõ”):  Than tiếc các nghĩa sĩ

Phần bốn: Kết (phần còn lại): Tình cảm xót thương của người đứng tế với linh hồn người chết.

Trong bài văn tế, chỉ cần câu mở đầu thôi “Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ” đã thể hiện được tư tưởng của toàn bộ bài văn. Đáng lẽ ra, khi giặc nổ súng xâm lược nước ta thì phải có phản ứng của triều đình nhưng ở đây ta chỉ thấy “lòng dân” đương đầu với quân thù. Từ đó, cho ta thấy chủ đề khái quát của tác phẩm là sự ca ngợi tấm gương hi sinh tự nguyện của những nghĩa binh với tấm lòng yêu nước sâu sắc.

Trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” ta thấy hình tượng người nghĩa sĩ nông dân hiện lên với một vẻ đẹp bình dị. Họ chỉ là những người nông dân bình thường, chất phác: “chẳng qua là dân ấp, dân lân”, “ngoài cật có một manh áo vải”, “trong tay cầm một ngọn tầm vông”, “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. Việc nhấn mạnh cái gốc nông dân của người nghĩa sĩ được xem là một nét mới so với thời kì văn học trung đại, với điều này Nguyễn Đình Chiểu đã đưa được hình tượng người nông dân đánh giặc bước vào những trang văn của mình. Những người nông dân bình dị ấy, khi có thực dân Pháp xâm lược họ bỗng trở thành những người lính, vậy điều gì đã thôi thúc họ đó chính là ý thức dân tộc, tình cảm sâu nặng với quê hương đất nước. Qua những trang viết của Nguyễn Đình Chiểu, ta nhận thấy đang có một sự chuyển biến trong con người những nghĩa sĩ nông dân ấy. Từ những người nông dân hiền lành, chất phác “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung, chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”, “việc cày, việc cuốc, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó”, nhưng họ có một lòng yêu nước sâu sắc: “tiếng phong hạc phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa, mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”, “bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan, ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”. Tình yêu đối với quê hương đất nước là lớn lao như vậy, chính vì thế họ luôn sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Lối sống của người nông dân Nam Bộ thật đơn giản mà sâu sắc, quyết liệt, không có lòng yêu nước đến mức lớn lao như vậy thì Nguyễn Đình Chiểu làm sao có thể tìm thấy nét dũng cảm, kiên cường, dám xả thân vì nước của những người nông dân: “hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ”, “chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”, “kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ”. Người đọc như tưởng tượng ra được một chiến trận với những âm thanh vang động, những động tác quyết liệt với một không khí gấp gáp, khẩn trương. Qua đây, ta thấy được tấm lòng của tác giả được dồn hết vào những trang văn bởi với một nhà thơ mù để viết được những trang viết giàu tính hiện thực như thế thì cần cả một tấm lòng cao cả.

Hình ảnh người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

Về nghệ thuật khắc họa hình tượng nghĩa sĩ Cần Giuộc trong tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu sử dụng những hình ảnh và ngôn từ hết sức bình dị, không hề tô vẽ hay dùng các phép tu từ, chính vì thế mà hình tượng người nghĩa sĩ vì thế rất chân thật và có sức lay động sâu sắc, họ được Nguyễn Đình Chiểu miêu tả là “một đám đông lam lũ, rách rưới, tay dao, tay gậy ào ào xông vào đồn giặc”. Ngoài ra, nhà thơ cũng đã sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật để làm nổi bật vẻ đẹp về phẩm chất và khí phách của người nghĩa sĩ nông dân: thủ pháp so sánh “trông tịn quan như trời hạn trông mưa”, “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”; thủ pháp đặc tả: “đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không”, “xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”; thủ pháp đối lập: chưa quen cung ngựa – chỉ biết ruộng trâu, tay vốn quen làm – mắt chưa từng ngó, nào đợi – chẳng thèm, mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn – chín chục trận binh thư, không chờ bày bố.

Kết bài: Tóm tắt những ý chính qua bài văn bộc lộ quan điểm của tác giả

Qua bài văn tế, tác giả bộc lộ niềm tự hào về tinh thần yêu nước cũng như khí phách của người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc, đồng thời bày tỏ niềm cảm phục và xót thương đối với họ. Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu, một khúc ca bi tráng về những người anh hùng tuy thất trận nhưng vẫn chiến thắng trong lòng mọi người và chính bản thân họ.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay