Bình giảng bài ca dao Tát nước đầu đình

Binh giang bai ca dao Tat nuoc dau dinh – Đề bài: Tát nước đầu đình là một bài ca dao rất hay trong kho tàng văn học Việt Nam. Em hãy bình giảng bài ca dao Tát nước đầu đình để thấy được điều đó.

Mở bài: Giới thiệu  về bài ca dao “Tát nước đầu đình”

“À ơi con ngủ cho say để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về..”. đó chính là những câu ca dao mang đầy những tình yêu ngọt ngào của những người bà người mẹ. Mỗi chúng ta những con người Việt Nam không ai không được nghe bà và mẹ hát những khúc ru như thế. Qua những lời ru ấy những câu ca dao cứ thế đi vào trong tâm hồn ta một cách vô thức. Ngoài những câu ca dao tình nghĩa tư tưởng đạo lí thì người xưa còn mang đến cho chúng ta những câu ca dao về tình cảm nam nữ vô cùng bình dị được gắn với những thứ cũng vô cùng mộc mạc. Tiêu biểu trong những bài ca dao tình yêu nam nữ nơi làng quê ấy chính là bài cao dao tát nước đầu đình.

Thân bài: Bình giảng bài ca dao Tát nước đầu đình

Hình ảnh giếng nước mái đình đã quá quen thuộc với chúng ta nó mang hơi thở củ thời ban đầu khi con người xuất hiện. đó là một nét đẹp truyền thống và một lần nữa nét đẹp ấy lại được xuất hiện trong bài ca dao này. Hình ảnh ấy chính là cái làm nền cho tình yêu đôi lứa của chàng trai cô gái thôn quê kia. Chàng trai lấy cớ tát nước đầu đình bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, rằng cô gái kia nếu nhặt được thì cho anh xin lại. Chiếc áo lại là một vật để cô gái kia làm tin, nó cũng xuất hiện trong ca dao như câu “ Yêu nhau cởi áo cho nhau- Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”. Có thể nói trong cuộc sống nghèo khổ tình yêu của đôi lứa cũng hiện lên thật đơn giản mà đằm thắm với kỉ vật thật bình thường đó là chiếc áo mặc giở cũ rách sờn vai. Tình cảm ấy không thể lấy vàng bạc chau báu giàu có hay nghèo hèn để đo được. tình yêu của họ lan ra cả không gian mái đình, đẹp nhẹ nhàng và không nhuốm màu danh lợi như bông hoa sen kia vậy, thật sự thuần khiết và chân thật. Nếu như hiện đại để làm tin thì phải có nhẫn bạc nhẫn vàng, hay một số đồ có giá trị thì ngày xưa chỉ cần một chiếc áo nâu bạc của người nông dân đã sờn vai để làm tin hay chính là kỉ vật. Bằng hoàn cảnh ấy, chàng trai bắt đầu bày tỏ tình cảm của mình một cách hóm hỉnh mà không để làm mất lòng cô gái cũng như việc biến nó thành một trò đùa. Mượn hình ảnh áo sứt chỉ đường tà để nói về hoàn cảnh của mình. Rằng là anh chưa có vợ, mẹ thì đã già và chưa có ai khâu áo cho, anh như đang muốn ngỏ lời để có người nâng khăn sửa túi cho mình.

Như vậy có thể thấy tình yêu nam nữ ngày xưa thật sự rất đẹp, nó đẹp theo đúng cách của người làng quê. Tình yêu ấy xuất hiện với không gian mái đình giếng nước như vẽ lên trước mắt chúng ta một bức tranh cổ tích chuyện ngày xưa. Kỉ vật làm tin của họ cũng thật sự đơn giản đó không phải vòng vàng xuyến ngọc, đó không phải một chiếc nhẫn kim cương hay vàng bạc châu báu mà đó chỉ là một chiếc áo đi thường ngày anh chàng đã mặc và còn bị sờn vai. Chẳng biết rằng cô gái thế nào nhưng những câu thơ này giống như lời một lời tán tỉnh của chàng trai đối với cô gái.

Bình giảng bài ca dao Tát nước đầu đình

Trước những lí do hoàn cảnh ấy chàng trai tiếp tục ngỏ ý với cô gái bằng những lời gạ gẫm tán tỉnh nhưng là tình cảm thật sự chứ không phải chêu đùa:

                             Khâu rồi anh sẽ trả công
                             Đến lúc lấy chồng, anh sẽ giúp cho,
                            Giúp cho một thúng xôi vò
                            Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
                            Giúp cho đôi chiếu em nằm,
                            Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo,
                            Giúp cho quan tám tiền cheo,
                            Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau…”

Từ những câu tán tỉnh ấy anh chàng mở ra trước mắt những hứa hẹn về một đám cưới thôn quê đầy đủ theo truyền thống, một cuộc sống không mấy giàu sang nhưng cũng không nghèo khó đến mức không có cơm ăn áo mặc. có thể nói cách tán tỉnh bày tỏ tình cảm của chàng trai vô cùng lạ, anh không lãng mạn nói anh yêu em hay ngỏ lời cầu hôn trong một không gian lung linh với những ngọn nến và chiếc nhẫn trên tay mà chỉ là những lời nói viện cớ qua cái áo bỏ quên và hứa hẹn một đám cưới quê tuyệt vời. Ngày xưa ông cha ta yêu đương không bao giờ có thể nói ba từ anh yêu em một cách dễ dàng, họ ngại ngùng và bẽn lẽn, đó là một nét đẹp của những chàng trai cô gái thôn quê, rõ là thích người ta nhưng lại không thể nói nên lời, một tình yêu ấp ủ. Chàng trai ấy tỏ tình một cách tế nhị mà rất hóm hỉnh. Mượn hình ảnh chiếc áo sờn vai để ngỏ ý mượn cô gái khâu cho rồi anh sẽ trả công bằng một đám cưới. Anh giúp cho cô một đám cưới với một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm rồi đến cả đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp, dôi chằm em đeo… tục lệ của ông cha ta được hiện ra ngay trong những dòng tâm sự tán tỉnh của chàng trai với cô gái. Những hình ảnh vô cùng mộc mạc chân quê nó thể hiện cái hồn làng Việt trong đó. Không chỉ là ngày vui của đôi trai gái mà đó còn ngày vui của cả một làng.

Kết bài: Cảm nhận về bài ca dao Tát nước đầu đình

Như vậy có thể thấy rằng bài ca dao thể hiện rõ tình yêu của chàng trai với cô gái. Đồng thời qua đó ta thấy được những nét đẹp trong tình cảm và đám cưới của ông cha ta ngày xưa. Nét đẹp ấy vượt qua mọi khó khăn về vật chất,phù hợp những gì vốn có của làng Việt. kỉ vật đơn sơ là chiếc áo sờn đã giúp cho họ đến với nhau một cách khá tình cờ bất ngờ nhưng cũng không kém phần lãng mạn và thi vị. Tình yêu được diễn ta và bắt đầu trên chính cái của mái đình và gắn với công việc lao động hằng ngày.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay