Cảm nghĩ của em về con người của Nguyễn Trãi qua Côn Sơn ca

Cảm nghĩ của em về con người của Nguyễn Trãi qua bài thơ Côn Sơn ca

Nguyễn Trãi (1380-1442) là một trong những nhà thơ, nhà quân sự lỗi lạc của đất nước. Ông đã để lại một kho tàng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc cùng những tài liệu quý giá và là người nổi tiếng với vụ án Lệ chi viên. Ông ra đi mang trong oan khuất là một trong những điều mất mát nhất của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm mà ông đã sáng tác khi còn sống đều là những tác phẩm vô cùng giá trị cho những thế hệ đi sau được học hỏi và cảm thụ. Trong số những tác phẩm của ông, em thích nhất là bài thơ” côn sơn ca” được ông sáng tác trong thời gian ông đi ở ẩn tại Chí Linhl Hải Dương. Bài thơ tả cảnh vật thiên nhiên một cách vô cùng tinh tế, qua đó đã thể hiện được tâm hồn thi nhân nhạy cảm và lạc quan của nhà thơ, nhà quân sự và chính trị gia tài ba Nguyễn Trãi.

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Mở đầu bài thơ là hai câu thơ miêu tả tiếng suối ở trong khu rừng. tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa tiếng suối như tiếng đàn cầm. đó là âm thanh dễ chịu, đưa con người ta vào những bến bờ của sự bình an và tĩnh lặng. Câu thơ lấy cái động để tôn lên cái tĩnh. Trong cả khu rừng lúc này không hề có những âm thanh ồn ào nào cả. Tất cả mọi thứ như đang lắng nghe tiếng suối chảy róc rách ở trong rừng. Chúng ta có thể thấy được sự tương đồng của Côn sơn ca cùng bài thơ Cảnh khuya của chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ đều cùng là những thi nhân và cũng là những nhà chính trị, quân sự vĩ đại của dân tộc.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trong thơ của Nguyễn Trãi tiếng suối chảy được miêu tả giống như tiếng đàn êm ái, dịu dàng bên tai. Còn trong thơ của Bác Hồ thì tiếng suối lại được ví như tiếng hát. Đó đều là những âm thanh đẹp giữa chốn núi rừng tĩnh mịch. Những âm thanh đó giúp cho con người như được lắng đọng, để suy nghĩ những chuyện mà mình đã đi qua và những điều còn phải làm. Đó là một khung cảnh mới tuyệt vời làm sao!

Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm

Lại một hình ảnh so sánh nữa. Những tảng đá ở Côn Sơn là những tảng đá to qua những trận  mưa, chúng mọc lên một lớp rêu phủ lên. Người thi sĩ trong thơ lại không hề phiền hà về điều đó. Ông lại cho rằng lớp rêu phong ấy như một lớp đệm cho ông ngồi được thoải mái. Phải có một tâm hồn khoáng đạt và tự nhiên như thế nào mới có thể viết nên những câu thơ như vậy. người làm thơ chắc chắn phải là một người luôn lạc quan, yêu đời và tìm được những thú vui cho riêng bản thân mình giữa đất trời bao la rông lớn.

Trong rừng thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm

ồ, thì ra người thi sĩ đang ở trong một khu rừng thông bạt ngàn những màu xanh của thiên nhiên và cây lá. Những cành thông cao vút như đưa chúng ta vào với những khu vườn thiên nhiên cổ tích mà chúng ta thường hay nghĩ về. Qua đây chúng ta nhìn thấy được sự nhàn nhã và thoải mái mà những người thi sĩ đang được hưởng thụ, như tình cảm của con người được hòa vào với thiên nhiên, với cuộc sống. Những hành động tưởng chừng như thật là đơn giản ấy lại cho ta thấy được một tâm hồn thanh bạch và không hề chen đua với đời. Xét về khía cạnh của cuộc đời nhà thơ, chúng ta thấy được khoảng thời gian mà ông sáng tác ra “ Côn Sơn ca” chính là khoảng thời gian mà ông đã từ bỏ những công danh, những bọn chen ở chốn quan trường mà lui về ở ẩn. Qua những lời thơ giản dị, chúng ta lại chỉ có cảm giác như ông đang nghỉ ngơi ở một nơi nào đó với một tâm hồn phóng khoáng mà không hề mang chút suy nghĩ nào của cuộc sống trước kia trong thời gian này. Nhịp thơ nhẹ nhàng mà chậm rãi cũng góp phần giúp chúng ta phác họa nên những hình ảnh của một nhà thi sĩ, chính trị gia và nhà quân sự đại tài này.

Trong rừng có bóng trúc râm
Dưới màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàn

Cuộc đời của một người thi sĩ còn gì là hạnh phúc hơn hay mãn nguyện hơn khi có thể được ban ngày nằm dưới những bóng cây xanh mát hay ban đêm thưởng nguyệt họa thơ. Đây không chỉ là một khu vườn của thông, của những âm thanh róc rách êm tai của nước suối chảy mà còn là thiên đường của những cậy trúc- biểu tượng của những nhân sĩ với tâm hồn ngay thẳng và không vướng những ganh đua bụi trần. Đó cũng chính là hình ảnh đại diện cho chính tâm hồn và con người của tác giả- một vị anh hùng của tổ quốc với biết bao những lĩnh vực đại tài.

Tóm lại, chỉ với một đoạn trích ngắn nhưng chúng ta đã cảm nhận được những cốt cách thanh cao của Nguyễn Trãi- một người được coi là một trong những biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam và cả thế giới. Qua đây, chúng ta thấy được thái độ sống với những tính cách khoáng đạt và nhẹ nhàng của ông.

Ngọ Thị Quỳnh khoa Việt Nam học trường ĐH Nhân Văn Hà Nội - Các bài văn mẫu hay nhất. Rất vui vì được phục vụ các bạn cách viết văn hay!