Cảm nhận bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến

Đề bài : Anh/chị hãy cảm nhận bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến văn 11

Mở bài: Giới thiệu về tác giả tác phẩm Thu điếu

Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, và mỗi lần nhắc đến đến tên ông ta không thể nào không nhắc đến chùm thơ thu tuyệt tác. Trong ba bài thơ thu, Thu điếu là bài thơ để lại nhiều ấn tượng với người đọc, đây là bài thơ tả cảnh thu và sâu kín bên trong là nỗi niềm của chính tác giả.

Thân bài: Cảm nhận bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Mới chỉ đọc một, hai câu đầu ta đã thấy ngay cái cảnh được báo hiệu từ nhan đề của bài thơ: có ao thu, có nước trong veo, có chiếc thuyền câu…Đúng là một bài thơ nói về “Câu cá mùa thu”. Từ chủ đề chính được gợi mở từ nhan đề, các câu thơ tiếp theo của bài thơ đều xoay quanh chủ đề này, có một số câu có lẽ người đọc sẽ cảm nhận được cảnh thu nhiều hơn là việc câu cá vào mùa thu.

Cảm nhận bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến

Đọc bài thơ, ta thấy toát lên một mùa thu của riêng ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Cảnh thu được tác giả miêu tả với ao nước trong tưởng chừng như ta có thể nhìn rõ bầu trời xanh qua mặt nước, tuy nhiên cảnh thu ở đây toát lên một vẻ tĩnh lặng, lạnh lẽo lạ thường từ mặt ao đến sóng chỉ hơi gợn, gió khẽ đưa, khách vắng teo…Người đọc có thể nhận thấy, các chi tiết về cảnh mùa thu được tác giả miêu tả trong bài đều rất giàu tính hiện thực, hầu như không mang chút ước lệ tượng trưng nào cho ta thấy được phần nào tình cảm gắn bó sâu nặng của tác giả đối với quê hương mình. Có một phát hiện nho nhỏ nhưng không kém phần thú vị đó là các hình ảnh đều như đối xứng với nhau: ao thu nhỏ thì thuyền câu bé, gió nhẹ khiến sóng chỉ hơi gợn, nước trong khiến cho ta có cảm giác trời như xanh thêm…

Trong bài thơ, tác giả sử dụng một loạt các từ láy. Chính nhờ thủ pháp nghệ thuật này, tác giả đã tạo được tính nhạc cho bài thơ của mình. Các từ láy: lạnh lẽo, tẻo teo, lơ lửng đều mang sắc thái biểu đạt riêng của nó. Nghĩa của “lạnh lẽo” khác với nghĩa của lạnh, “ao thu lạnh lẽo” không chỉ để nói về độ lạnh của nước ao mà còn gợi ra một vẻ đượm buồn bao trùm lên cảnh vật và tâm trạng của tác giả. Với từ láy “tẻo teo” nó gợi ra trước mắt người đọc một con thuyền rất bé đồng thời nó như làm thu hẹp không gian của mọi cảnh vật lại trong tầm mắt của nhà thơ. Còn với từ láy “lơ lửng” vừa gợi cho người đọc mường tượng ra những đám mây đang trôi ở trạng thái lưng chừng của tầng không lại vừa gợi được tâm trạng mơ hồ, không rõ ràng của tác giả.

Mặc dù nhan đề của bài thơ là “câu cá mùa thu”, tuy nhiên tác giả dành sự quan tâm của mình đối với cảnh vật mùa thu. Chuyện câu cá chỉ được nói đến như là một dụng ý nghệ thuật để nhà thơ thể hiện các cảnh sắc mùa thu và bộc lộ tâm trạng của mình. Tâm trạng của tác giả trong bài thơ này đó là một nỗi niềm u hoài, tâm trạng này như thể đã bao trùm lên cảnh vật làm cho cảnh vật cũng mang một nỗi buồn da diết, giống như Nguyễn Du đã viết: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Chính sự lạnh lẽo của ao thu cũng đã phần nào diễn tả được tả được tâm trạng của nhà thơ. Tâm trạng đó còn được thể hiện một cách rõ nét qua câu thơ: “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Ngồi câu cá nhưng lại có thái độ hờ hững với việc nghe thấy tiếng cá “đớp động dưới chân bèo”, qua hình ảnh này cho ta thấy rất có thể nhà thơ đang suy tư về cuộc đời về đất nước và sự bất lực của chính bản thân mình.

Bài thơ không những cho ta thấy cảnh sắc mùa thu với những sắc thái riêng ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ mà còn cho ta thấy rất rõ vẻ đẹp tâm hồn của tác giả, đó là một con người bình dị, có tình cảm gắn bó sâu sắc với quê hương đất nước, luôn hướng đến sự thanh cao và có tinh thần trách nhiệm đối với cuộc đời.

Kết bài: Cảm nghĩ của em về bài thơ

“Thu điếu” kết hợp cùng với “Thu ẩm” và “Thu vịnh” tạo nên một chùm thơ thu gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Khuyến. Mỗi bài thơ đều mang một sắc thái riêng tùy theo cảm nhận của mỗi người. Với “Thu điếu”, ta cảm nhận được tâm trạng u hoài cũng như khát vọng sống thanh cao của nhà thơ trong cuộc sống còn nhiều rối ren của đất nước.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay