Cảm nhận đoạn trích Hai cây phong bài văn của cô giáo Ngọc Hà chuyên văn

Hình ảnh hai cây phong đã trở thành hình tượng đặc biệt trong đoạn trích Hai cây phong ( trích Người thầy đầu tiên của Ai-ma-tốp), nó không chỉ gắn liền với những kí ức thân thuộc của bao người dân  Ku – ku – rêu. mà còn chứa đựng bao tình cảm thân thương, chân thành nhất với quê hương. Bằng những hiểu biết của mình sau khi học xong đoạn trích Hai cây phong, em hãy trình bày cảm nhận của mình về truyện Hai cây phong.

Để có bài viết chất lượng nhất, các bạn hãy cùng tham khảo dàn ý chi tiết và bài văn mẫu tham khảo mà khuyenhocvietnam.com/vanmau/ sẽ giới thiệu dưới đây nhé!

I. Dàn ý chi tiết cho đề bài cảm nhận về đoạn trích Hai cây phong

1. Mở bài cho đề cảm nhận về đoạn trích Hai cây phong

Giới thiệu tác giả và tác phẩm, dẫn dắt vào nội dung: Truyện ngắn “Người thầy đầu tiên” kể về người chiến sĩ Hồng quân Liên Xô – người thầy đầu tiên đã trồng hai cây phong cùng với An – tư – nai.

2. Thân bài cho đề  cảm nhận về đoạn trích Hai cây phong

– Nêu cảm nhận về đoạn trích

  • Hai mạch kể chuyện: mạch kể của nhân vật “tôi” và mạch kể của “chúng tôi”: Một mạch là nhân vật “tôi” – một họa sĩ lớn lên từ chính ngôi làng này, và một mạch kể là của cả một thế hệ “chúng tôi”
  • Những chi tiết tiêu biểu miêu tả hai cây phong

+ Bức tranh hai cây phong dưới ngòi bút của họa sĩ tài ba thật sống động và đẹp mê hồn,

+ Nhìn ngắm bức tranh chúng ta có thể cảm nhận được cả giai điệu trong đó “tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”

+ Hai cây phong cũng là hình ảnh về sự kiên cường

  • Ý nghĩa của hai cây phong trong mỗi nhân vật: Hai cây phong là những kỉ niệm chung của “chúng tôi”
  • Hai cây phong và người thầy đầu tiên

Người thầy đầu tiên đã ở lại với làng, trở thành một ông lão đưa thư Đuy – sen, có thể thấy, hai cây phong còn là minh chứng của những sự hy sinh một cách thầm lặng của những người chiến sĩ Hồng quân Liên Xô

3. Kết bài cho đề  cảm nhận về đoạn trích Hai cây phong

Nêu cảm nhận và đánh giá về đoạn trích hai cây phong : Tình cảm dành cho hai cây phong của nhân vật “tôi” nói riêng và “chúng tôi” nói chung cũng như toàn thể dân làng Ku – ku – rêu đã khiến chúng ta trân trọng bởi những phẩm chất tâm hồn cao đẹp.

II. Bài tham khảo cho đề  cảm nhận về đoạn trích Hai cây phong

Nhà văn Ai – ma – tốp với tác phẩm “Người thầy đầu tiên” đã cho chúng ta được đặt chân tới ngôi làng nhỏ Ku – ku – rêu thuộc nước Cộng hòa Cư – gơ – rư – xtan (Liên Xô cũ). Truyện ngắn kể về người chiến sĩ Hồng quân Liên Xô – người thầy đầu tiên đã trồng hai cây phong cùng với An – tư – nai ngày trước, sau 40 năm, cô đã trở thành một viện sĩ danh tiếng, hai cây phong lại trở thành một kí ức thân thuộc của bao người dân làng Ku – ku – rêu.

Tác giả kể lại kỉ niệm với hai cây phong bằng hai mạch dẫn truyện, một mạch là nhân vật “tôi” – một họa sĩ lớn lên từ chính ngôi làng này, và một mạch kể là của cả một thế hệ “chúng tôi”. Chính nhờ những kỉ niệm, kí ức thật đẹp của tuổi thơ đã tạo nguồn cảm hứng cho người họa sĩ tái hiện lại hình ảnh hai cây phong một cách chân thật và xúc động. Những kí ức về làng quê được tái hiện khi người dẫn truyện đưa người đọc về nơi “nằm ven chân núi, trên một cao nguyên rộng, có những khe nước ào ào từ những ngách đá đổ xuống”. Ngôi làng Ku – ku – rêu hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thung lũng, thảo nguyên và những rặng núi, mặc dù hai cây phong không tự mọc lên trên mảnh đất này, nó không sẵn có trong danh sách các món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, nhưng đối với những đứa trẻ lại “biết chúng từ thuở bắt đầu biết mình”. Nhân vật tôi dành tình cảm rất đặc biệt với hai cây phong, anh coi chúng như hai người bạn, luôn ngắm nhìn chúng bằng ánh mắt tràn đầy tình yêu thương, chính vì vậy mà hai cây phong không chỉ đơn giản là cây cối nữa mà nó chính là một phần tâm hồn, chi phối những cung bậc cảm xúc trong con người họa sĩ.

Bức tranh hai cây phong dưới ngòi bút của họa sĩ tài ba thật sống động và đẹp mê hồn, nhìn ngắm bức tranh chúng ta có thể cảm nhận được cả giai điệu trong đó “tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”, hai cây phong cũng là hình ảnh về sự kiên cường, dù cho sự khắc nghiệt của thời tiết có như thế nào thì hai cây phong vẫn bền bỉ, kiên cường, chống chọi với sự tàn phá, sức mạnh của thiên nhiên “nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực”. Có thể thấy, chính những tình cảm sâu sắc của nhà họa sĩ với hai cây phong đã làm nên một tuyệt phẩm có sức hút choáng ngợp đến như vậy.

Hai cây phong không chỉ có ý nghĩa với riêng nhân vật tôi mà nó là những kỉ niệm chung của “chúng tôi”, “chúng tôi” ở đây chính là những người bạn cùng trang lứa với người họa sĩ, họ cùng lớn lên, cùng vui chơi nơi thung lũng này và dưới gốc hai cây phong “bóng râm mát rượi mà tiếng lá xào xạc dịu hiền của hai cây phong”. Không chỉ dừng lại ở đó, hai cây phong còn là nơi để ươm mầm những ước mơ của những đứa trẻ, những ước mơ khám phá thế giới bao la rộng lớn này “những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ ẩn sau chân trời xa thẳm xanh biêng biếc kia”.

Người thầy đầu tiên đã ở lại với làng, trở thành một ông lão đưa thư Đuy – sen, có thể thấy, hai cây phong còn là minh chứng của những sự hy sinh một cách thầm lặng của những người chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, họ là những người cộng sản trẻ tuổi đã cống hiến hết mình thời thanh xuân tươi đẹp để phục vụ quê hương. Tình cảm dành cho hai cây phong của nhân vật “tôi” nói riêng và “chúng tôi” nói chung cũng như toàn thể dân làng Ku – ku – rêu đã khiến chúng ta trân trọng bởi những phẩm chất tâm hồn cao đẹp.

Phạm Thị Ngọc - Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chia sẻ các bài văn mẫu hay để học tốt Ngữ văn, các bài Soạn văn hay nhất!