Cảm nhận về bài thơ Thương vợ của Tú Xương

Đề bài: Anh chị hãy cảm nhận về bài thơ Thương vợ của Tú Xương.

Mở bài: Giới thiệu về tác giả tác phẩm Thương vợ

Tú Xương được các độc giả biết đến là một nhà thơ trào phúng xuất sắc, đã vượt hẳn lên trên về phương diện bao quát hiện thực rộng lớn cũng như về tài nghệ đả kích sắc sảo bậc thầy. Trong thơ Tú Xương, có một mảng lớn các tác phẩm viết về đề tài người vợ và đề tài này cũng rất được các độc giả quan tâm và đón nhận. “Thương vợ” là một trong những bài thơ tiêu biểu và xuất sắc nhất thuộc đề tài này.

Thân bài: Cảm nhận về bài thơ Thương vợ của Tú Xương

Cuộc đời của ông ngắn ngủi, chỉ sống được 37 năm và con đường thi cử còn nhiều gian nan, phải thi rất nhiều lần mới đỗ Tú tài vì vậy hầu hết mọi việc trong gia đình đều do bà Tú lo. Thấu hiểu được sự vất vả của vợ, Tú Xương đã đưa vợ mình vào những trang thơ với tất cả niềm yêu thương và sự trân trọng. Cuộc đời của bà Tú tuy vất vả nhưng bà lại có được niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải người vợ nào cũng có được.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”

Ở hai câu đề, chỉ bằng vài nét đơn sơ với những từ ngữ hết sức bình dị, Tú Xương đã khiến người đọc hình dung ra hình ảnh bà Tú một mình mang gánh nặng gia đình, xông pha, lặn lội nơi đầu sông, bến chợ vừa tự họa nên hình ảnh của một người chồng tầm thường và vô dụng:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”

Người đọc đặc biệt ấn tượng bởi những từ ngữ mà Tú Xương dùng để khắc họa nên hình ảnh bà Tú: “quanh năm”, “mom sông”…Thời gian “quanh năm” có nghĩa là triền miên, suốt bốn mùa không được nghỉ ngơi. Còn “mom sông” là không gian nơi bà Tú buôn bán, chỉ là một thẻo đất cheo leo nhô ra mặt nước, chính cái không gian chênh vênh ấy càng làm cho hình ảnh bà Tú trở nên nhỏ bé và cô đơn hơn. Bà làm việc vất vả như vậy để nuôi “năm con với một chồng”, “chồng” được đặt ngang hàng với “năm con”, như vậy Tú Xương đã tự nhận mình là một đứa con đặc biệt vẫn cần được bà Tú chăm lo. Ta nhận thấy ông Tú như đang tự trách bản thân mình vô tích sự với vợ con, không giúp gì được cho bà Tú.

Đến hai câu thực, hình ảnh bà Tú càng hiện lên cụ thể hơn:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Tác giả đã mượn hình ảnh con cò trong ca dao, đưa vào câu thơ của mình một cách khéo léo để khắc họa nên hình ảnh của người đàn bà lam lũ, vất vả lặn lội đêm hôm để kiếm ăn và nuôi con. Đặc biệt hình ảnh thân cò trong khung cảnh “quãng vắng” lại càng tô đậm sự thui thủi cô đơn một mình của bà Tú. Người đọc dễ dàng nhận ra sự đối lập ở hai câu thơ này, câu trước gợi ra hình ảnh bà Tú nhỏ bé thì câu sau lại gợi ra một cảnh chen chúc, bươn chải trên sông nước của những người buôn bán nhỏ, luôn chứa đựng sự cạnh tranh cùng những lo âu, nguy hiểm. Cũng như ông cha ta bao đời nay đã khuyên con: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”.

Cảm nhận về bài thơ Thương vợ của Tú Xương

Ở hai câu luận, Tú Xương miêu tả hình ảnh của bà Tú trong mối quan hệ với chồng và con, đồng thời bày tỏ lòng cảm phục đối với sự hi sinh hết mực của vợ:

“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”

Đây như thể là một lời độc thoại nội tâm mà ông Tú muốn nói hộ bà Tú, nhưng có lẽ  là ông Tú tự thấy mình vô dụng nên nói thế chứ chắc bà Tú không nghĩ vậy, bà Tú thương ông vì cái kiếp “học tài thi phận” còn ông Tú thì tự thấy số phận của mình bạc bẽo nên mới viết ra như thế. Có thể câu thơ trước còn gây nhiều tranh cãi, nhưng đến câu thơ thứ hai “Năm nắng mười mưa dám quản công” thì hẳn là ông Tú đã nói đúng tấm lòng của vợ, nhà thơ sử dụng thành ngữ vừa nói lên được sự vất vả gian lao vừa thể hiện được đức tính chịu thương chịu khó hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.

Hai câu kết là lời chửi, có thể người đọc sẽ nghĩ là của bà Tú nhưng thực ra là của ông Tú, ông chửi đời và chửi cả chính bản thân mình, tự trách mình là tầm thường, vô tích sự, không giúp gì được cho vợ con:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”

Hai câu như ẩn chứa một mối quan hệ sâu xa: Nếu không có thói đời bạc bẽo thì cũng đã không có sự hờ hững của người chồng đối với vợ, ngẫm lại ta mới thấy bà Tú mới thật là đáng trọng và đáng kính biết nhường nào.

Kết bài: Tóm tắt những ý chính của tác phẩm Thương vợ

Vậy là chỉ với tám câu thơ nhưng hình ảnh bà Tú đã được hiện lên hoàn chỉnh: một người vợ đảm đang, chịu khó, tháo vát sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì chồng, vì con. Hình ảnh của bà Tú là hình ảnh tiêu biểu của người vợ truyền thống Việt Nam với những nét đẹp đáng trân trọng.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay