Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Đề bài: Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy để chứng tỏ ánh trăng là lời nhắc nhở ân tình, ân nghĩa thủy chung với quá khứ.

Mở bài: Giới thiệu về bài thơ Ánh trăng

Mác-xen Prút-xơ đã từng nói: Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập. Mỗi khi người nghệ sĩ xuất hiện thì lại cho ta một góc nhìn mới về thế giới. Trong thế giới bao la ấy có biết bao điều mới lạ nhưng đôi khi cũng chỉ có, một cái gì đó thôi nhưng qua mỗi người nghệ sĩ ta lại có một cách nhìn khác nhau. Cũng với một vầng trăng đối với Lí Bạch, nó là điểm tựa để nhà thơ nhớ về quê hương, cũng ảnh trăng ấy nó lại là người bạn tâm giao của Bác Hồ, còn đối với Nguyễn Duy, qua bài thơ Ánh trăng lại là lời nhắc nhở ân tình, ân nghĩa thủy chung với quá khứ.

Thân bài: Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Thuở ấu thơ là quãng thời gian đẹp và thơ mộng của một đời người. Đó là những năm tháng rong chơi, nô đùa vùng vẫy với thiên nhiên. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã có một thời ấu thơ như thế:

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể

Cái thuở đang còn là một cậu bé thì tác giả đã được tiếp xúc với bầu không khí trong lành của quê hương. Được nô đùa trên cánh đồng rộng, được tắm mát trong dòng nước êm dịu, mát lành. Chao ôi! Biết bao nhiêu kỉ niệm thân thuộc ở cái miền quê yên ấm ấy. Đồng, sông bể là nơi rất đỗi bình dị thôi nhưng nó đã nuôi lớn tâm hồn thơ dại của nhà thơ. Thời gian cứ mải miết trôi. Thời tuổi thơ hồn nhiên đã qua đi, những kỉ niệm gắn bó với quê hương cũng đã trôi vào dĩ vãng. Giờ đây khi đã trở thành một chàng trai trưởng thành thì đã phải rời xa mảnh đất quê hương để đi làm một nhiệm vụ mới – bảo vệ Tổ quốc. Sống, chiến đấu ở rừng; nơi ấy không còn là đồng, sông, bể nữa mà là những nguy hiểm, gian nan:

Hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ

Cả một thời gian dài kháng chiến sống với núi rừng, vầng trăng đã trở thành tri kỉ. Không biết từ lúc nào trăng và người đã gắn bó thân thiết. Chính tình cảm bè bạn ấy đã giúp người lính vượt lên trên mọi vất vả, khó khăn của thời cuộc. Họ đến với nhau không phải là vì vật chất mà là từ tinh thần. Có lẽ vì thế mà tình cảm ấy ngày càng gắn bó khăng khít. Lúc vui hay buồn bên cạnh người lính đã có bạn tâm sự. Ngày qua ngày, nhờ có tình bạn ấy mà con người dễ dàng vượt qua tất cả. Do trăng và người đến với nhau không chút ngần ngại nên tình cảm của họ cũng mộc mạc chân thành:

Hồi chiến tranh ở rừng
trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Tình cảm giữa trăng và người ngày càng được nuôi lớn hơn “tình nghĩa”. Trăng như một con người thực sự biết chia sẻ, đồng cảm, ân tình ân nghĩa thủy chung. Có lẽ chính cảnh rừng núi hoang vắng buồn bã, quạnh hiu đã khiến cho trăng và người xích lại gần nhau. Ta có cảm giác như cuộc đời người lính gian khổ thiếu thốn không còn lạnh lẽo nữa mà đã được sưởi ấm trong tình thương yêu của bạn bè. Trong tâm trí người lính, vầng trăng đã chiếm một vị trí quan trọng. Phải chăng những kỉ niệm của ánh trăng đã thế chỗ cho những kỉ niệm của thuở ấu thơ. Giữa trăng và người đã có tình cảm sâu đậm tưởng chừng chẳng thể nào xa cách được vậy mà:

Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.

Thật ngỡ ngàng! Tại sáo người lính lại có sự đổi thay nhanh chóng đến vậy? Chẳng lẽ là để thích ứng với cuộc sống hiện đại mà nỡ lãng quên đi tình bạn năm xưa sao? Về với chốn phồn hoa đô thị náo nhiệt, con người đã chôn vùi những kỉ niệm năm xưa và bắt đầu với cuộc sống mới. Quá khứ thủa xưa với một thời hồn nhiên trong sáng, những năm tháng kháng chiến khó khăn, gian khổ trăng và người đã gắn bó thân thiết thế mà giờ đây lại vô tình lãng quên. Nếu trước đây vầng trăng có ý nghĩa quan trọng đối với người lính tri kỉ, tình nghĩa thì bây giờ là gì? Đổi lại trăng chỉ là một người khách qua đường ư? Trăng chỉ là một người dưng thôi sao? Phải chăng người lính khi đi ra khỏi cuộc chiến tranh trở về sống một cuộc sống đầy đủ tiện nghi ánh điện, cửa gương nên đã quên đi cái vầng trăng tình nghĩa? Có lẽ không còn phải sống trong ngôi nhà liếp chật hẹp, chỉ có đèn dầu nên người lính mới quên đi vầng trăng? Tình bạn năm xưa không hề hình thành từ của cải vật chất vậy mà bây giờ chính của cải vật chất đã xóa mờ đi tình bạn ấy. Con người vô tình lãng quên đi quá khứ của những năm tháng chiến đấu gian khổ và cũng kéo theo cả tình bạn tri âm tri khỉ. Bị bạn quên lãng nhưng ánh trăng ấy vẫn son sắt, nghĩa tình. Dường như trăng vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó người bạn của mình sẽ kịp nhận ra:

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

Thật ngẫu nhiên, khi mất điện con người đã gặp lại vầng trăng năm xưa. Vội bật tung cửa sổ, một phản xạ tự nhiên tìm kiếm ánh sáng. Có lẽ người lính cũng không lường trước được việc sẽ gặp lại người bạn năm xưa trong thời điểm ấy. Trong không gian bao la chỉ có vầng trăng soi sáng. Giữa thời điểm ấy cũng chỉ có vầng trăng tròn vành vạnh xuất hiện trước mắt người bạn cũ. Gặp lại người bạn tri kỉ năm xưa liệu người lính sẽ xử sự như thế nào đây?

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Hai khuôn mặt, hai linh hồn sống đang nhìn nhau. Trong cái khoảnh khắc ấy, người lính có cái gì rưng rưng. Liệu, có phải cái rưng rưng đó là cảm xúc, nỗi niềm của người lính với vầng trăng tình nghĩa, với những kỉ niệm của quá khứ.

Vầng trăng đã đánh thức khơi nguồn cho những gì của quá khứ trôi dạt vì tương lai. Mọi kỉ niệm thuộc về dĩ vãng giờ đây nó đang sống dậy, đang ùa về trong tâm trí anh, đó là nơi anh đã sống, đã đi qua, thế mà đã có thời gian anh quên nó. Vầng trăng quả là một người bạn tốt bụng. Trong năm tháng chiến tranh gian khổ, chính vầng trăng đã đến bầu bạn tâm tình với người lính thì lúc này trăng lại giúp người bạn của mình nhớ về quá khứ.

Trăng như là gió, còn những gì của quá khứ được chôn vùi dưới lớp cát bụi của thời gian. Gió đã đến, xua tan lớp cát bụi đó đi để lại những gì nguyên vẹn của thời xưa. Nếu không có lúc mất điện thì người lính có kịp nhận ra mình, nhận ra những điều mà mình đã đánh mất? Còn những kỉ niệm của thời niên thiếu lúc trưởng thành thì sẽ bị chôn vùi dưới đáy đại dương đên lúc nào nữa? Bị bạn lãng quên song trăng vẫn nguyên vẹn tròn đầy:

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình

Không một lời trách móc, oán hờn, trăng vẫn tròn vành vạnh độ lượng, bao dung, vị tha. Vẫn biết bạn mình vô tình lãng quên vậy mà trăng vẫn ân tình, ân nghĩa, thủy chung. Trăng chính là biểu tượng của quá khứ nguyên vẹn, chẳng thể phai mờ. Trăng không trách móc, oán hờn nhưng ánh trăng im phăng phắc lại là sự trừng phạt nặng nề nhất. Trăng như một nhân chứng rất nghĩa tình nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc nhắc nhở con người đừng quên đi quá khứ. Điều đó đã làm cho người lính băn khoăn, dáy dứt:

Ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

Bao năm tháng nuôi hi vọng về sự tỉnh ngộ của bạn mình, kết cục trăng đã đạt được. Cái gì đến rồi cũng phải đến. Con người đã tự nhận ra, hối hận về cách cư xử của mình. Không có tòa án nào xét xử sự phản bội trong tình bạn duy chỉ có tòa án của lương tâm, sự cao đẹp của trăng khiến người lính giật mình nhìn lại mình để nhận ra mình đã lãng quên một phần quan trọng của cuộc đời. Ánh trăng tuy vẫn không hề thổn thức một lời nào song con người vẫn tự hiểu được điều trăng muốn nói. Con người đã giật mình vì sự bao dung, vị tha của vầng trăng tình nghĩa chăng? Hay là vì một điều gì khác? Người lính đã vô tình mà quên đi quá khứ của mình, của dân tộc nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì vẫn nguyên vẹn, vĩnh hằng. Con người không thể sống thiếu quá khứ bởi nếu không có quá khứ thì sẽ không có tương lai, quá khứ mà tốt đẹp thì con người có thể dễ dàng vươn tới những điều ở phía trước. Đó mới là cách sống đúng đắn. Con người biết tôn trọng quá khứ thì quá khứ sẽ là nền tảng, chỗ dựa vững chắc đưa ta tới những chân trời mới. Vầng trăng chính là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, vẻ đẹp bình dị. Bài thơ Ánh trâng như một lời nhắc nhở ân tình ân nghĩa thủy chung với quá khứ.

Kết bài: Suy nghĩ về vẻ đẹp của ánh trăng

Thế giới trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy là vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, quá khứ nghĩa tình. Nó còn khơi dậy trong chúng ta đạo lí sống uống nước, nhớ nguồn của nhân dân ta. Bài thơ tuy đã khép lại nhưng đã mở ra trước mắt chúng ta biết bao điều trăn trở, suy tư về cách sống, lẽ sống trên cuộc hành trình dài rộng của mỗi con người.

… Từ hồi về thành phố
quen ảnh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
(Ánh trăng, Nguyễn Duy)

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay