Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt văn lớp 9

Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có những kí ức của tuổi thơ. Đó là những hình ảnh của những người mẹ, người bà hát ru à ơi hay những buổi chiều tắm mát trên sông. Hình ảnh ấy, kí ức ấy giúp cho mỗi người chúng ta có được những sức mạnh để vượt qua những khó khăn, gian khổ. Riêng vơi cuộc đời cảu Bằng Việt, kỉ niệm của tuổi thơ ông là những năm tháng sống cùng người bà của mình, cùng bà nhóm lên bếp lửa thân thương và cao hơn cả đó chính là tình bà cháu thắm thiết. Và bài thơ Bếp lửa của ông đa chứng minh cho điều đó một cách rõ ràng và sâu sắc.

Như chúng ta đã biết, Bằng Việt là người phải sống xa quê hương rất nhiều năm. Cũng chính bởi lí do như vậy mà mỗi khi nhìn những ánh lửa hồng, ông lại nhớ tới hình ảnh của người bà thân thương mình.

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

Nhìn thấy những ngọn lửa hồng bập bùng mà những mảnh kí ức trong tâm tư của người cháu như được hiện về. Đó cũng chính là bếp lửa khi cuộc đời của bà trải qua những nắng mưa. Chỉ nhìn những hình ảnh ấy mà tác giả có cảm giác như chính mình được gặp lại bà của mình. Ông như cảm nhận được hơi ấm, sự vỗ về của người bà dành cho mình.

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rác ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay

Những kí ức của người cháu về bà lần lượt hiện về. Đó chính là những kỉ niệm đều gắn liền với hình ảnh của bếp lửa. Nó cũng ấm áp và xúc động như tình cảm của bà vậy. Từ nhỏ, Bằng Việt đã sống cùng bà của mình, cũng bà nhóm lửa và cũng là nhóm lên tình yêu và sự sống cháy bỏng của người bà cho đứa cháu hồn nhiên của mình. Bà như thay thế trách nhiệm của bố mẹ, chăm lo cho người cháu tới từng bữa cơm, giấc ngủ, chăm lo cho cháu học hành. Có một hồi ức khác cũng được người cháu nhớ tới chính là tiếng của những chú chim tu hú. Điệp từ “ tu hú” được nhắc đi nhắc lại ba lần như vang vọng vào trong tâm hồn của người đọc, như vọng vào tiềm thức của mỗi người. Thậm chí cả những lúc mơ về bà, tiếng tu hú càng làm cho kí ức của người cháu như khắc khoải, trải dài hơn trong nỗi nhớ xa thẳm.

Trong những năm đất nước gặp chiến tranh, hai bà cháu phải rời làng đi tản cư, bố mẹ công tác, không thể chăm sóc được người con. Thế nhưng, người cháu không hề cảm thấy cô đơn chút nào bởi cháu đã được bao bọc trong tình yêu thương chăm sóc của người bà dành cho mình. Trong khói bếp mờ ảo, hình ảnh người bà hiện lên giống như những bà tiên trong truyện cổ tích. Bà chính là chỗ dựa vững chắc cho người cháu không chỉ những khi còn nhỏ mà còn cho tới tận khi người cháu đã trưởng thành.

Bố ở chiến khu bố còn việc bố
mày viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên

Cuộc sống càng khó khăn, nghị lực của người bà càng bền vững. Hình ảnh người bà hiện lên luôn cần cù, nhẫn nại và giàu đức hi sinh. Dù có vất vả như thế nào nhưng người bà vẫn không hề nói ra, sợ làm cháu mình buồn mà chỉ cứng rắn, nhẫn nại vượt qua khó khăn. tất cả, tất cả những điều đó giúp cho hình ảnh người bà trở nên tỏa sáng và có sức truyền cảm mãnh liệt tới tất cả những người đọc.

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng

Ngọn lửa của bếp lửa, của tình yêu thương sẽ mãi luôn ở trong lòng của người cháu và tỏa sáng hơn bao giờ hết.

Đọc xong bài thơ và nhắm mắt lại tưởng tượng, chúng ta như hình dung ra những hình ảnh về ngọn lửa hồng bên bếp lửa cùng hình ảnh người bà hiền từ hiện lên. Nhờ đó mà bài thơ sẽ mãi được ghi dấu trong lòng người đọc.

Từ khóa tìm kiếm

phân tích bài thơ bếp lửa của bằng việt

phan tich bai tho bep lua cua bang viet

phân tích bếp lửa bằng việt

phan tich bep lua bang viet

Ngọ Thị Quỳnh khoa Việt Nam học trường ĐH Nhân Văn Hà Nội - Các bài văn mẫu hay nhất. Rất vui vì được phục vụ các bạn cách viết văn hay!