Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Đề bài: Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Mở bài: Giới thiệu về tác giả tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá

Huy Cận (1919 – 2005) là nhà thơ của tình người, tình đời, tình yêu thiên nhiên đất nước. Hồn thơ Huy Cận vừa hướng tới những khoảng rộng xa của vũ trụ vừa da diết gắn bó với cuộc đời gần gũi thân thương.

Giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Chính hiện thực cuộc sống lao động sôi nổi, hào hứng của nhân dân và không gian khoáng đạt bao la của biển cả đất trời đã mang lại cho hồn thơ Huy Cận những cảm hứng mới mẻ. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá ra đời trong hoàn cảnh đó và được in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng (1958). Đoàn thuyền đánh cá là khúc ca dào dạt cảm xúc lãng mạn về vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên đất nước và vẻ đẹp khỏe khoắn của con người trong cuộc sống lao động sôi nổi, hăng say, hào hứng và vui tươi. Bài thơ được kết cấu theo hành trình lao động của đoàn thuyền đánh cá. Khổ thơ đầu là cảnh lên đường; khổ thơ tiếp theo là cảnh lao động đầy hào hứng, khẩn trương trên biển cả hùng vĩ, khổ thơ cuối cùng là cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh rực rỡ ánh hồng.

Thân bài: Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Điểm xuất phát của buổi lao động khác lệ thường: ra đi vào lúc mặt trời đang lặn:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cứa

Cảnh hoàng hôn thường ảm đạm, buồn bã nhưng ngược lại ở đây thiên nhiên biển cả trong buổi hoàng hôn thật hùng vĩ, sinh động. Mặt trời như hòn than rực cháy đang nhanh chóng xuống biển, bóng đêm buông xuống, kết thúc một ngày. Thiên nhiên được tác giả tái hiện thật sinh động, độc đáo. Với năng lực, tưởng tượng phong phú, nhà thơ đã gợi lên những liên tưởng thật bất ngờ, thú vị. Vũ trụ bao la, huyền bí như một ngôi nhà khổng lồ, bóng tối là cánh cửa sập xuống, những con sóng là then cài. Không gian khép lại bởi màn đêm nhưng con người lại mở ra một thế giới mới, một khung cảnh mới:   

Đoàn thuyền, đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi

Con người xuất hiện giữa không gian rộng lớn của biển cả mà không hề có cảm giác nhỏ bé, rợn ngợp. Họ đang làm chủ không gian ấy, là chủ nhân của biển cả ấy. Tiếng hát của con người cất lên đem lại niềm vui cho thiên nhiên, tiếng hát như cùng làn gió căng buồm đưa thuyền ra khơi xa. Nhà thơ đã sáng tạo một hình ảnh sinh động độc đáo, gắn kết ba sự vật và hiện tượng: gió khơi, câu hát và cánh buồm. Câu hát là niềm vui, sự hào hứng của người lao động, tạo nên sức mạnh cùng ngọn gió căng buồm cho thuyền lướt nhanh trên ngọn sóng. Khổ thơ mở đầu đã tạo dựng được không khí chuẩn bị bước vào lao động hăng hái, khẩn trương, tự tin và tràn đầy khí thế.

Bằng hình thức ghi lại lời hát trên biển cả, nhà thơ Huy Cận đã ngợi ca sự giàu có của đất nước. Lòng biển chứa đựng biệt bao tài sản quý giá có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống con người: cá bạc, cá thu, cá nhụ, cá chìm, cá song, cá đé. Những sản vật đó được nhà thơ miêu tả trong tương quan với cái đẹp, cái thơ mộng kì ảo, đầy ánh sáng và sắc màu:

Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Từ cách nhìn đầy tính thẩm mĩ, tác giả có những liên tưởng, so sánh thật bất ngờ mà hợp lí. Đàn cá thu như những con thoi dệt vào biển tấm lưới bằng luồng sáng, cá song lấp lánh như ngọn đuốc lung linh màu sắc đen hồng. Từ những câu thơ của Huy Cận, thế giới biển cả hiện ra thật hấp dẫn và ki thú, sông động và tươi đẹp lạ thường.

Biển cả hùng vĩ với chiều rộng bao la và chiều sâu thăm thẳm của nó, biển cả nên thơ với ánh trăng vàng và muôn vì sao lấp lánh. Biển cả càng trở nên sinh động hơn bởi sự có mặt của những ngư dân say mê lao động, tự tin làm chủ không gian rộng lớn:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cảnh lao động trên biển cả rất hiện thực mà cũng rất lãng mạn. Những công việc của đoàn thuyền đánh cá được miêu tả cụ thể như giăng lưới, gõ thuyền, kéo lưới mà nhẹ nhàng, khỏe khoắn và tràn đầy niềm vui. Con thuyền vốn bé nhỏ trước biển cả bao la lại trở thành con thuyền khổng lồ, hòa nhập với thiên nhiên, vũ trụ rộng lớn. Con thuyền đó lấy gió làm lái, buồm bằng trăng, lướt nhanh giữa hai tầng không gian mênh mông của trời, của biển. Miều tả con thuyền với kích thước của vũ trụ, tác giả muốn khắc họa sức mạnh và vẻ đẹp khỏe khoắn của những người lao động đang làm chủ thiên nhiên đất nước. Nét đặc biệt trong thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám là con người thường được miêu tả trong tâm trạng vui tươi hào hứng. Trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, bốn lần nhà thơ nhắc đến hình ảnh con người đang ca hát. Hát lúc ra khơi, hát lúc gọi cá, hát lúc thuyền về, nghĩa là hát suốt cả hành trình lao động. Nhờ có lời ca, tiếng hát mà con người không hề có cảm giác mệt mỏi, công việc lao động nặng nề trở nên nhẹ nhàng, thơ mộng, với bài ca phơi phới lạc quan.

Mở đầu bài thơ là cảnh mặt trời xuống biển, kết thúc bài thơ là cảnh mặt trời lên, mở ra bình minh huy hoàng rực rỡ:

Câu hát căng buồm cùng gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hòang muôn dặm phơi.

Đoàn thuyền đánh cá ra khơi từ chiều hôm trước, họ đánh cá dưới đêm trăng thơ mộng của biển cả và đến sáng hôm sau những con thuyền đầy ắp cá, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Ở khổ thơ cuối cùng này hình tượng thơ được đẩy tới, nâng cao, thật huy hoàng tráng lệ. Điệp khúc câu hát lại xuất hiện ở đầu khổ thơ, biểu hiện nhịp điệu thiên nhiên và nhịp điệu lao động hài hòa cộng hưởng. Thiên nhiên vận động nhanh chóng theo nhịp tuần hoàn từ đêm sang ngày, con thuyền cùng mở hết tốc lực để chạy đua với mặt trời, chạy đua với thời gian, và cuối cùng con người đã chiến thắng.

Khi mặt trời vừa mới “đội biển” nhô lên thì con người đã đạt được thành quả lao động to lớn: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”. Hai câu thơ cuối cùng tạo nên sự so sánh thật bất ngờ thụ vị, gợi lên những liên tưởng khác nhau trong tâm trí người đọc. Phải chăng mặt trời nhô lên trên biển giống như mắt cá huy hoàng lấp lánh ánh sáng, hay đây là hình ảnh tả thực mang tính cách điệu về thành quả lao động của con người. Sau một đêm lao động hăng say, khẩn trương sôi nổi đoàn thuyền đã thu được những khoang đầy ắp cá, mắt cá lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời như trải ra muôn dặm, Đằng sau hình ảnh mắt cá huy hoàng là đôi mắt lấp lánh niềm vui của con người trước thành quả lao động của mình.

Kết bài: Suy nghĩ về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là một trong những thi phẩm thành công viết về biển và cuộc sống lao động của con người, một đề tài sở trường của Huy Cận. Từ trước cách mạng, hồn thơ Huy Cận đã đong đầy không gian sóng nước và nặng trĩu tình cảm yêu đời. Cảm quan vũ trụ và tình người, tình đời là những đặc điểm nổi bật trong thế giới thơ Huy Cận. Nhưng trước Cách mạng, vũ trụ và con người trong thơ Huy Cận còn có khía cạnh đối lập, sau Cách mạng, thơ Huy Cận khai thác vẻ đẹp hài hòa giữa vũ trụ và cuộc đời. vẻ đẹp ấy được thể hiện tập trung trong Đoàn thuyền đánh cá, một bài thơ, một khúc ca phơi phới niềm vui về thiên nhiên và cuộc sống sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay