Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu văn 9

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhân dân ta đã trải qua biết bao nhiêu gian khổ khi ấy không thể nào có những người thân trong gia đình mình chia sẻ giúp đỡ được mà khi ấy chỉ còn lại những tình cảm của những người lính với nhau. Tình cảm ấy chúng ta thường gọi là đồng chí. Văn học khi ấy cũng thực hiện nhiệm vụ của mình ca ngợi những tình cảm tốt đẹp của nhân dân ta. Và nhà thơ Chính Hữu đã dùng ngòi bút của mình viết lên những dòng thơ đầy cảm xúc về tình đồng chí trong bài thơ cùng tên.

Sáu câu thơ đầu nói về tình cảm đồng chí đồng đội cũng như quê hương của họ. Những người lính ấy không xuất phát từ những thành thị mà xuất phát từ nông thôn:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”

Quê hương của những người lính nông dân ấy chính là những miền quê với những cánh đồng chua và những đất nghèo sỏi đá. Nhà thơ đã chọn cách bắt đầu bài thơ bằng hình ảnh quê hương ấy để thấy được thân phận của họ. Nghệ thuật sóng đôi khiến cho quê hương của “anh” và của “tôi” trở nên nghèo đói như nhau. Và những con người nông dân ấy không hề quen biết nhau thế nhưng kháng chiến đi lính họ gặp nhau, sát cánh bên nhau từ chiến trường cho đến khi nghỉ ngơi. Và cứ thế họ trở thành những người tri kỉ của nhau.

Đó chính là tình đồng chí, đêm rét chung chăn, chiến đấu kề vai sát cánh bên nhau và thành tình đồng chí:

“Đồng chí!”

Câu thơ như tách bài thơ ra làm hai để quy nạp cho phần thơ đầu và diễn dịch cho những câu thơ còn lại. Một câu thơ mà chỉ có hai từ, điều đó thể hiện sự ca ngợi, sự định nghĩa tình cảm thiêng liêng ấy. Không cùng chung cha mẹ không cùng một quê hương nhưng họ gắn bó với nhau trong những năm tháng gian khố ấy họ lại chia ngọt se bùi cho nhau và trở thành những đôi tri kỉ.

Những câu thơ tiếp theo như thể hiện thêm khẳng định thêm tình đồng chí gắn bó keo sơn:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”

Những người lính ấy đã phải trải qua biết bao nhiêu là khó khăn vât vả, họ rời bỏ ruộng nương để cho bạn thân cày cấy hộ. Họ “mặc kệ” gian nhà gió lung lay kia, động từ ấy không phải là những người lính bỏ nhà mà quyết tâm ra đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước. Thế rồi hình ảnh giếng nước gốc đa như được nhân hóa có suy nghĩ có nỗi nhớ và thương đến người chiến sĩ. Hình ảnh ấy cũng giống như một ẩn dụ để nói đến những người mẹ người vợ ngày đêm nhớ thương con mình. Và trong hoàn cảnh chiến tranh ấy có biết bao nhiêu thiếu thốn về vật chất, áo anh thì rách vai, quần tôi thì có vài mảnh vá, có những cớn sốt rét rừng làm cho họ khổ sở. Thế nhưng họ vẫn cười trong sự thiếu thốn buốt giá ấy. Chân thì không giầy thương nhau tay nắm lấy bàn tay. Không có gia đình ở bên thì họ chính là những người trao cho nhau hơi ấm tình thương.

Và chính bằng tình thương yêu ấy dù cho sương có buốt giá đến đâu, dù cho kẻ địch kia có gian ác tàn bạo đến đâu thì họ vẫn đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới. Hình ảnh đầu súng trăng treo là một hình ảnh nghệ thuật rất đẹp. Nó thể hiện ngọn súng kia như chĩa lên cao khiến cho mảnh trăng kia như đang được treo lên đầu ngọn súng ấy vậy. Không những thế mà ánh trăng kia còn là chính những người chiến sĩ ấy, họ như ánh trăng sáng soi trong đêm tối ấy. Vẫn đứng đó để chờ giặc tới.

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”

Như vậy qua đây ta hiểu thêm về tình đồng chí của những người nông dân áo vải. Họ không chỉ biết cày cấy tăng gia sản xuất mà họ còn biết đánh giặc và biết yêu thương lấy nhau. Dù cho cuộc sống có thiếu thốn nhưng họ vẫn vui vẻ lạc quan cười trong sự buốt giá ấy. Vì trong họ ngoài tình yêu quê hương tổ quốc ra thì họ còn có một tình cảm nồng ấm xua tan mọi khó khăn ấy. Đó chính là tình đồng chí.

Ngọ Thị Quỳnh khoa Việt Nam học trường ĐH Nhân Văn Hà Nội - Các bài văn mẫu hay nhất. Rất vui vì được phục vụ các bạn cách viết văn hay!