Phân tích bài thơ Hầu trời của Tản Đà văn học 11

Đề bài: Anh/chị hãy phân tích bài thơ Hầu trời của Tản Đà văn học 11

Mở bài: Giới thiệu về tác giả tác phẩm Hầu trời

Quy luật chung của những nhà thơ là dùng thơ văn để nói lên tâm trạng của mình trước cuộc đời. Thơ vui cũng có nhưng thơ buồn thì nhiều hơn. Và có lẽ đó chính là quy luật dùng thơ giải sầu của thi sĩ. Nhà thơ Tản Đà cũng thế. “Nhưng khác với mọi người, Tản Đà là người đầu tiên, là người thứ nhất có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám có một cái tôi” (Xuân Diệu). Cái tôi ấy được thể hiện rất rõ qua bài thơ Hầu Trời của Tản Đà. Cái hay của bài thơ là Tản Đà đã thể hiện được cái ngông nghênh, phóng túng và khát khao thể hiện chính mình.

Thân bài: Phân tích bài thơ Hầu trời của Tản Đà

Bài thơ rất dài thể hiện sự phóng khoáng và tung hoành của Tản Đà. Mỗi phần thơ mang đến những nội dung ý nghĩa nhất định mà trong đó đoạn thơ đầu có chức năng đi giới thiệu câu chuyện nhà thơ gặp được tiên và trời:

“Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thế!
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng.
……..
Ghế bành như tuyết vân như mây
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy.”

Tác giả kể lại câu chuyện nằm mơ được gặp tiên trời. Nhà thơ không biết có phải mơ không những thật sự thì vẫn là người đấy việc đấy. Khi ấy nhà thơ không ngủ được cho nên dậy pha nước uống trà ngồi ngâm thơ trong tư thế vắt chân ung dung tự tại. Ngâm hết thơ thì lại chơi trăng cho nên tiếng thơ kia động đến trời. Trời đang ngủ thì không ngủ được nên mắng sai hai cô tiên xuống trần xem ai. Văn có hay thì lên đọc trời nghe thử. Trước cảnh tượng như thế Tản Đà không hề sợ hãi bị trách mắng mà ung dung mỉm cười khi hôm nay lại được gặp tiên trời. Vậy nên ông quyết định lên trời một phen. Lên đến nơi Tản Đà được chào đón và đối xử rất nhiệt tình. Trời sai đem ghế cho ông ngồi để ngâm thơ. Qua đây ta thấy được nghệ thuật trong cách mở đầu câu chuyện của Tản Đà. Cách giới thiệu ấy đã gợi cho người đọc một tứ thơ lãng mạn nhưng cảm xúc là có thực. Tác giả muốn người đọc cảm nhận được hết cái “hồn cốt” trong cõi mộng. Mộng mà như tỉnh, hư mà như thực. Không những thế ở ngay khổ thơ này chúng ta đã cảm nhận được cái tôi cá nhân đầy lãng mạn, bay bổng pha lẫn nét “ngông” trong phong cách thơ văn của thi nhân.

Có thể nói với cách vào chuyện có duyên và giàu tính nghệ thuật ấy tác giả đã tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện của mình.

Sang đến phần thơ thứ hai nhà thơ đọc những thi phẩm của mình cho trời và chư tiên cùng nghe. Được đón tiếp như một vị khách quý, các trư tiên đều có mặt cùng trời để nghe thơ văn Tản Đà cho nên nhà thơ cũng không ngần ngại không sơ sệt mà đọc lên những vần thơ của mình.
Tản Đà đọc thơ và giới thiệu thơ mình với trạng thái ung dung đĩnh đạc. Ông vô cùng tự tin với tài năng sáng tác của mình:

“Chư tiên ngồi quanh đã tĩnh túc
Trời sai pha nước để nhấp giọng.
Truyền cho “văn sĩ đọc văn nghe!”
– “Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc”.
Đọc hết văn vần lại văn xuôi
Hết văn thuyết lý lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi.”

Phân tích bài thơ Hầu trời của Tản Đà văn học 11

Tản Đà được pha trà để nhấp giọng rồi sau đó đọc cho tất cả các văn sĩ cùng nghe. Nhà thơ ung dung đọc trong niềm hứng khởi. Có bao nhiêu văn Tản Đà đọc hết. Từ văn vần đền văn xuôi từ văn thuyết lý đến văn chơi. Nhà thơ cảm thấy thích thú lắm, thêm những chén trà trời thì lại càng tốt hơi. Nhà thơ như đang khoe ra cái tài năng phong phú của mình. Ông không ấn định mình trong một loại hình mà ông có thể làm rất nhiều loại văn.
Trước những bài văn của Tản Đà trời và các trư tiên đều trầm trồ khen ngợi:

“Văn dài hơi tốt ra cung mây!
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay,
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga, Chúc Nữ chau đôi mày

Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Đọc xong mỗi bài cũng vỗ tay.”

Văn thơ của Tản Đà khiến cho trời cùng trư tiên tán thưởng khen ngợi. Trời khen văn dài hơi tốt, trư tiên ai nấy đều có những thái độ hành động tán thưởng khen ngợi. Tâm thì như nở dạ còn Cơ lè lưỡi, Hằng Nga Chức Nữ trau đôi mày. Với những thái đọ ấy chúng ta có thể thấy được sự hưởng ứng của mọi người. Điều đó đồng nghĩa với việc thơ văn Tản Đà có sức lay chuyển cả trời đất.

Tiện đó nhà thơ mới giới thiệu những bộ văn thơ của mình đã được in ấn:

“- “Bẩm con không dám man cửa Trời
Những áng văn con in cả rồi
Hai quyển “Khối tìng” văn thuyết lý
Hai “Khối tình” con làvăn chơi
“Thần tiền”, “Giấc mộng” văn tiểu thuyết
“Đài gương”, “Lên sáu” văn vị đời
Quyển “Đàn bà Tàu” lối văn dịch
Đến quyển “Lên tám” nay là mười
Nhờ Trời văn con còn bán được
Chử biết con in ra mấy mươi?
Văn đã giàu thay, lại lắm lối
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!
Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
– “Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”
Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít!
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng! Tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!
Chẳng hay văn sĩ tên họ gì?
Người ở phương nào, ta chưa biết”.”

Những bộ sách được nhà thơ giới thiệu đến, trời lại phê cho những lời vàng ngọc ngọt tai. Chư tiên thì bảo anh mang lên trời, trời bán cho. Điều đó một lần nữa lại chứng tỏ cái tôi tài năng của Tản Đà, ông không ngại khi khen tài năng của mình. Nhời văn của ông đẹp như sao băng, khí văn mạnh như mây chuyển, êm như gió, tinh như sương. Hàng loạt các hình ảnh so sánh cho thấy được thơ văn Tản Đà vừa mang sư hào hùng vừa mang được cả sự nhẹ nhàng êm ả. Trời lại băn khoăn tên gọi của văn sĩ là gì?.

Đó chính là cái cớ để cho nhà thơ tự giới thiệu về bản thân mình. Và những câu thơ còn lại nhà thơ đã dành để tự nói về mình:

“- “Dạ, bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á Châu và Địa cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”.
Nghe xong Trời ngợ một lúc lâu
Sai bảo thiên tào lấy sổ xét.
Thiên tào tra sổ xét vừa xong
Đệ sổ lên trình Thượng đế trông
– “Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội ngông”.

Nhà thơ tự giới thiệu về bản thân tên họ cũng như quê quán của mình. Điều đó giúp nhà thơ khẳng định tên tuổi trong sự nghiệp văn chương của mình. Thi nhân nói về hoàn cảnh khó khăn của mình. Qua đó ta thấy được cuộc sống nghèo khổ của nhân dân, túng thiếu của những bậc văn nhân hạ giới. Văn chương của họ rẻ như bèo. Thân phần văn sĩ bị khinh thường rẻ rúng, chính vì thế mà nhà thơ muốn tìm lên tận trời để tìm tri âm tri kỉ. Ở đây nhà thơ đã nói lên hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Trời sai việc cho nhà thơ cách nói ấy nhằm nói lên trách nhiệm của bậc văn sĩ trong thiên hạ.Đó là việc giữ thiên lương của nhân loại. Phải chăng đó chính là trách nhiệm cao cả của nhà văn?.

Nói xong thì cảnh tượng chia tay diễn ra, chư tiên cùng với trời chia tay nhà thơ trong tiếc nuối mà rơi hai hàng lệ. Canh đêm tan đi và sáng trở lại trong sự khoan khoái của con người.  nhà thơ muốn lên trời lần nữa.

Kết bài: Khẳng định giá trị văn chương qua bài thơ Hầu trời

Qua đây ta thấy được cái tôi ngông nghênh của nhà thơ cũng như tài năng văn chương của ông. Ta thấu hiểu tấm lòng của những người làm nghiệp văn chương. Và chức năng rất lớn của văn chương từ trước cho đến nay là tải đạo. Đồng thời qua ta càng thêm yêu thêm quý con người của Tản Đà khi trong buổi giao thời ấy dám nói lên những suy nghĩ và khẳng định cái tôi cá nhân của mình.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay