Phân tích bài thơ ngắm trăng của Hồ Chí Minh lớp 8

Phân tích bài thơ ngắm trăng của Hồ Chí Minh – Bài thơ Ngắm trăng (Vọng nguyệt) (Ngữ văn 8 – Tập II) của Hồ Chí Minh là một cuộc vượt ngục về tinh thần. Phân tích bài thơ đế làm sáng tỏ nhận định trên.

Mở bài: Giới thiệu về bài thơ “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh

Ngắm trăng là bài thơ được viết băng chữ Hán và là một trong những bài thơ hay nhất trong tập Nhật ký trong tù. Bài thơ được sáng tác trong những chuỗi ngày Bác bị tù đày ở Quảng Tây (Trung Quốc). Tuy bị giam trong nhà ngục nhưng những câu thơ của Bác vẫn thể hiện sự tự do của tâm hồn. Phải chăng bài thơ là một cuộc vượt ngục về tinh thần.

Bài liên quan:
>>Phân tích bài “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh
>>Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh
>>Phân tích bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên

Thân bài: Phân tích bài thơ ngắm trăng của Hồ Chí Minh

Vọng nguyệt (hay đối nguyệt, khán minh nguyệt) là một đề tài rất phổ biến trong thơ xưa. Thi nhân xưa gặp cảnh trăng đẹp, thường đem rượu uống trước hoa để thưởng trăng; có rượu và có hoa thì sự thưởng trăng mới là mỹ mãn, thú vị. Nói chung, người ta chỉ ngắm trăng khi thảnh thơi, tâm hồn thư thái. Nhưng ở đây, Hồ Chí Minh ngắm trăng trong cảnh đặc biệt:

Trong tù không rượu cũng không hoa.

Trong tù ngục, bậc tao nhân mặc khách thưởng trăng đó đang là một tù nhân bị đày đọa, vô cùng cực khổ. Điều kiện sinh hoạt của cái nhà tù tàn bạo, dã man mà tù nhân phải sống làm sao có thể phù hợp với việc thưởng nguyệt! Làm sao có rượu và hoa để thưởng trăng? Có phải câu thơ đầu bài thơ mang ý nghĩa phê phán không? Không thể hiểu như vậy được! Vì chẳng có nhà tù nào lại nhân đạo đến nỗi vì trăng sáng mà đem cả rượu và hoa đến cho tù nhân ngắm trăng cả! Chỉ có thể hiểu rằng, trước đêm trăng đẹp, Hồ Chí Minh bỗng khao khát được thưởng trăng một cách trọn vẹn và lấy làm tiếc vì không có rượu, có hoa. Và cũng phải hiểu rằng, việc nhớ đến rượu và hoa không hề vướng bận bởi những nặng nề vật chất mà tâm hồn vẫn tự do, vẫn ung dung, vẫn mong muốn được tận hưởng cảnh trăng đẹp.

Phân tích bài thơ ngắm trăng của Hồ Chí Minh lớp 8

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ.

Thật ra trăng đến lúc nào cũng không rõ. Nó có được chờ đợi đâu. Đột ngột nó hiện ra và lập tức nhà thơ bối rối. Trăng ở đây không như một người khách trọ, mà vốn là người bạn tri âm, tri kỷ. Bạn đến chơi phải tiếp bạn thế nào cho phải. Bỗng dưng ta nhớ đến Nguyễn Khuyến cùng cái bối rối đáng yêu khi người bạn tri âm tri kỷ đến nhà chơi: trẻ thời đi vắng chợ thời xa…, có gì để mà tiếp bạn đây? Còn cái bối rối của Bác là “trăng đến rồi, rượu và hoa không có? Cái bối rối rất thi nhân của Người chính là từ truyền thống văn chương phương Đông. Câu thơ cho ta thấy rõ tâm hồn nghệ sĩ đích thực của Người. Đêm trăng đẹp quá! Mà trong tù thì biết thế nào để thưởng thức một đêm trăng trọn vẹn và vì vậy nên Bác càng bối rối. Người chiến sĩ cách mạng vĩ đại ấy vẫn là một con người yêu thiên nhiên một cách say mê và hồn nhiên, đã rung động mãnh liệt trước cảnh trăng đẹp, dù đang là thân tù.

Hai câu thơ tiếp có thể coi là một cuộc vượt ngục về tinh thần.

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

Đây không phải là cuộc vượt ngục về tinh thần duy nhất của người tù cách mạng Hồ Chí Minh để tìm đến vầng trăng tri kỷ. Trong bài Trung thu, Bác cũng đã để lòng theo vời vợi mảnh trăng thu (Tâm tùng thu nguyệt công du du). Và vầng trăng trong bài Ngắm trăng cũng vượt qua song sắt nhà tù để tìm đến, ngắm nhà thơ (khán thi gia) trong tù. Vậy là cả người và trăng đều chủ động tìm đến giao hòa cùng nhau, ngắm nhau. Câu trúc đối của hai câu chữ Hán đã làm nổi bật tính cách song phương mãnh liệt của cả người và trăng. Tất nhiên đây là biện pháp nhân hóa của nghệ thuật văn chương, đã cho thấy Bác Hồ và trăng hết sức gắn bó, thân thiết, trở thành tri âm, tri kỷ từ lâu.

Hai câu thơ còn cho ta thấy sức mạnh tinh thần kỳ diệu của người chiến sĩ thi sĩ ấy. Trong này là nhà tù đen tối, là hiện thực tàn bạo, còn ngoài kia là vầng trăng thơ mộng, là thế giới đẹp, là bầu trời tự do, lãng mạn đến say người. Ở giữa hai thế giới đối cực đó là cửa sắt của nhà tù. Nhưng với cuộc ngắm trăng này, song sắt nhà tù đã trở nên bất lực, vô nghĩa trước những tâm hồn tri âm, tri kỷ tìm đến nhau.

Kết bài: Cảm nhận ý nghĩa sâu sắc qua bài thơ Ngắm trăng

Qua bài thơ, người đọc cảm thấy người tù cách mạng ấy dường như không chút bận tâm về những cùm xích, đói rét, muỗi rệp, ghẻ lở…. của chế độ nhà tù khủng khiếp, cũng bất chấp song sắt thô bạo của nhà tù để tâm hồn bay bổng tìm đến đối diện đàm tâm với vầng trăng tri kỷ.

Ngắm trăng vừa thể hiện tình cảm với thiên nhiên đặc biệt sâu sắc, mạnh mẽ, một biểu hiện nổi bật của tâm hồn nghệ sĩ ở Bác Hồ, vừa cho thấy sức mạnh tinh thần to lớn người chiến sĩ vĩ đại đó. Có thể nói, đằng sau những câu thơ rất thơ đó lại là một tinh thần thép, mà biểu hiện ở đây là sự tự do nội tại, phong thái ung dung vượt hẳn lên sự nặng nề, tàn bạo của ngục tù.

Bài thơ là một minh chứng sinh động cho hai câu thơ Hồ Chí Minh mở đầu tập Nhật ký trong tù: Thân thể ở trong lao tinh thần ở ngoài lao.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay