Phân tích nghịch lí trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa

Nghịch lí trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Mở bài: Giới thiệu về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”

Nguyễn Minh Châu là người “mở đường tinh anh nhất” của nền văn học thời kì đổi mới. Truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của ông. Truyện được sáng tác vào tháng 8-1983. Không những thế tác phẩm này còn đánh dấu sự chuyển thể từ cảm hứng lãng mạn sang cảm hứng thế sự của nhà văn. Nguyễn Minh Châu thời kì này đã đi vào tìm kiếm những hạt ngọc ẩn sau trong tâm hồn con người và khám phá những nghịch lí của cuộc sống. Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm thể hiện rõ nhất sự nghịch lí của cuộc đời mà Nguyễn Minh Châu đã khám phá và phát hiện ra.

Thân bài: Phân tích nghịch lí tác phẩm bức tranh thuyền và biển , cảnh bạo lực gia đình người đàn bà làng chài

Nghịch lí thứ nhất là bức tranh toàn cảnh thuyền và biển trong buổi sáng tinh sương lúc xa và lúc gần bờ. Nói cách khác thì ở đây chính là sự nghịch lí trong chính nghệ thuật.

Sự khám phá phát hiện ấy được thể hiện qua nhân vật nghệ sĩ Phùng. Anh là một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng được giao đi công tác tại vùng biển để chụp khoảnh khắc thuyền và biển cho bộ lịch năm ấy. Và tại đây nghệ sĩ phùng đã được chứng kiến một cảnh đẹp trời cho. Thuyền và biển trong làn sương sớm giống như “một bức tranh mực tàu của họa sĩ thời cổ”. Anh chợt nhận ra một vẻ đẹp toàn bích mà lâu nay rất gần gũi với đời sống của chúng ta.

Đúng là nghệ thuật sinh ra từ cuộc sống này. Mọi đường nét của bức ảnh ấy đều hài hòa nhẹ nhàng. Mũi thuyền in những nét lòa nhòa trong làn sương sớm ấy. Chứng kiến ấy Phùng thấy lòng mình trong trẻo thanh cao hơn. Anh thấy trái tim như có ai bót thắt lại. Qủa thật đối với một người nghệ sĩ khi chứng kiến được tác phẩm nghệ thuật đẹp của cuộc sống này thì sung sướng và hạnh phúc biết bao. Đó là giây phút trong ngần trong cuộc đời anh. Phùng nhận ra cái đẹp là đạo đức là chân thiện mỹ. Chiêm ngưỡng cảnh đẹp nhưng anh cũng không quên bấm máy để bắt kịp cái khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống ấy.

Thế nhưng sự nghịch lí lại được thể hiện ngay trong chính bức tranh tuyệt đẹp đó. Khi con thuyền tiến sâu vào bờ thì một cảnh tượng diễn ra mà nó không còn là chân thiện mỹ nữa. Hai người một ông một bà lầm lũi đi lên chỗ xe già phá mìn. Người đàn bà kia trông có vẻ thô kệch, xấu xí và mặt giỗ. Còn người đàn ông to cao lực lưỡng. Bỗng họ dừng lại và Phùng ngạc nhiên khi thấy ông chồng rút thắt lưng quất tới tấp vào mặt vào người vợ mình.

Phân tích nghịch lí trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa

Phùng bất bình và không tin vào mắt mình khi thấy cảnh tượng ấy. Người đàn bà không hề phản ứng lại mà chỉ cam chịu cắn răng chịu đau cho ông chồng đánh. Một thằng bé cầm dao chạy đến như muốn lấy mạng cha mình. thế rồi bị cha tát cho một cái lăn quay ra nền cát. Ông ta bỏ đi để lại vợ và con mình trên bãi cát dài ấy. Người đàn bà nước mắt giàn giụa lắp đầy cả những nốt giỗ lỗ chổ trên mặt ôm thằng con vào lòng mà khóc. Cảnh tượng ấy nghịch lý hẳn so với bức tranh chân thiện mỹ kia.

Tạo nên sự nghịch lý ấy Nguyễn Minh Châu muốn nói với chúng ta về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Mối quan hệ ấy khăng khít gắn bó với nhau, chính đời sống sinh ra nghệ thuật. Điều cơ bản là nghệ thuật kia phải gắn với đời sống và không được rời xa cuộc sống. Như thế mới gọi là nghệ thuật đích thực. Cuộc sống này cũng có nhiều sự nghịch lý đa đoan như thế nên chúng ta không thể nhìn một cách phiếm diện một chiều.

Nghịch lí thứ hai là câu chuyện về bạo lực gia đình của gia đình người đàn bà hàng chài. Người đàn bà ấy tại sao cứ cam chịu cái số phận để cho chồng đánh năm bữa nhẹ một bữa nặng. Như nghệ sĩ Phùng là người chứng kiến còn không thể chịu được mà tại sao người đàn bà lại chịu đựng một cách ngu ngốc đến thế. Phùng đã nhờ Đẩu gọi người đàn bà kia lên khuyên nhủ. Thế nhưng qua câu chuyện về cuộc đời bà cả hai vị chánh án, nghệ sĩ đều nhận ra những mặt khác của cuộc đời này. Cái nghịch lí là người đàn bà kia chịu đựng để cho ông chồng đánh lại trở thành cái có lí trong cuộc đời bà. Ngày xưa thì ông ta cũng là một người hiền lành lắm, bà bị mặt giỗ sau một trận đậu mùa. Vậy là ế chồng luôn, bố mẹ của bà mất đi chính ông ấy đã cưu mang cuộc đời bà. Họ sống với nhau trên con thuyền ấy nhưng nghèo quá. Đã thế lại đẻ nhiều cho nên ông chồng chán đời tủi nhục. Bà đành trở thành nơi để ông có thể trút giận chỉ mong sao ông có thể vững tay chèo. Hóa ra bà không hề ngu ngốc bà hi sinh vì những đứa con của bà, hi sinh vì thương người chồng tội nghiệp. Mặt khác trên thuyền cũng có nhiều lúc gia đình vợ chồng con cái vui vầy.

Qua sự nghịch lý ấy ta thấy cuộc đấu tranh chống bạo lực gia đình tha hóa đạo đức còn gian nan hơn cả cuộc chiến tranh chống xâm lược. Trong khi đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa, xây dựng một xã hội dân chủ công bằng thì ở đâu đó vẫn tồn tại những bạo lực gia đình. Đôi khi nhà nước không thể lo hết được những việc vụn vặt của từng gia đình.

Sự nghịch lí thứ ba là sự nghịch lí trong chính con người. Đó là cách mà nhà văn khám phá về con người trong thời đại mới. Điều đó được thể hiện trong chính người đàn bà hàng chài. Chị có một vẻ ngoài xấu xí thô kệch thế nhưng bên trong lại là một người vợ thương chồng, một người mej cam chịu đau đớn để hi sinh vì con. Đó chính là hạt ngọc trong tâm hồn mà Nguyễn Minh Châu đã khám phá được. Cuộc sống vất vả khó khăn như thế nhưng bà vẫn cam chịu đánh đập để cho con có thể sống sót tồn tại. Đức hi sinh ấy chỉ có những người mẹ mới có được.

Sự nghịch lí trên nhà văn muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp về cách nhìn nhận đánh giá một con người. Không nên nhìn theo dáng vẻ bề ngoài mà phải khám phá được điều tốt đẹp bên trong tâm hồn họ. Con người Việt nam luôn được đánh giá như những câu tục ngữ mà ông bà ta để lại. Đó là “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “đẹp nết hơn đẹp người”.

Kết bài: Tác giả đã xây dựng những nghịch lí trong tác phẩm qua đó thiện hiện tất cả những sự việc đều có mặt đối lập

Tóm lại nhà văn Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công những nghịch trong tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa. Qua đó nhà văn muốn thể hiện tất cả những sự vật hiện tượng xung quanh cuộc sống của chúng ta đều tồn tại những mặt đối lập. Những mặt ấy bổ sung cho nhau. Thế nên chúng ta không nên nhìn sự vật hiện tượng hay con người một chiều, phiếm diện. Đối với cuộc sống phức tạp này cần có cái nhìn đa chiều để đánh giá đúng nhất về bản chất của sự vật hiện tượng con người đó.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay