Phân tích vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Đề bài: Anh/chị hãy phân tích vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận.

Mở bài: Giới thiệu về tác giả tác phẩm Tràng Giang

Huy Cận là một nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ mới, tập thơ “Lửa thiêng” của ông đã làm nghiêng ngả bao tâm hồn bạn đọc. Một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ là thi phẩm Tràng giang, bài thơ mang một nỗi buồn mênh mang, sâu lắng trong giọng thơ vừa cổ điển vừa lãng mạn, rất tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước cách mạng. Tràng giang mang một vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại, vì thế mà Xuân Diệu đã có một nhận xét hết sức tinh tế: “bài thơ hầu như đã trở thành cổ điển của một nhà thơ mới”.

Thân bài: Phân tích vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Vẻ đẹp cổ điển được hiện ra ngay từ nhan đề của bài thơ, “Tràng giang” đã mở ra cả một khoảng không gian rộng lớn trước mắt khiến người đọc có cảm giác choáng ngợp trước vẻ bao la, rộng lớn đó. Tiếp đó, Huy Cận mở đầu bài thơ bằng một lời đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Câu thơ có bảy chữ thì có đến bốn từ tả cảnh xen thêm ba từ tả tình chứng tỏ câu thơ hội tụ kết tinh tư tưởng của toàn bài thơ, khổ thơ nào cũng có cảnh thiên nhiên như một tấm nền bộc lộ tâm trạng buồn bâng khuâng của thi sĩ và qua đó định hướng cho người đọc hiểu được tư tưởng của bài thơ, đó chính là tình yêu quê hương đất nước và tâm trạng của nhà thơ.

Bài thơ có bốn khổ thơ, khổ thơ nào cũng dập dềnh sóng nước như chính là sóng tâm trạng của tác giả. Khổ thơ đầu như một tiếng chuông ngân mở ra cảm hứng thẩm mĩ cho toàn bài thơ, đưa người đọc vào một không gian sóng nước mênh mang:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Trong khổ thơ đầu, nhà thơ đã sử dụng phép tu từ nhân hóa: sóng trên sông biết “buồn điệp điệp” chứng tỏ nhà thơ đã thổi tâm trạng buồn từ trái tim mình vào sóng trên sông để biến sóng và sông thành những tinh thể có tâm hồn đồng cảm với thi nhân. Vậy là không còn tràng giang của thiên nhiên, vũ trụ mà chỉ còn dòng sông lớn của tâm trạng và mỗi con sóng gợn là một nỗi buồn ào ạt của nhà thơ dâng trào. Trên dòng nước tràng giang sóng gợn mênh mông ấy, nhà thơ điểm vào hình ảnh của một con thuyền tạo nên sự đối lập giữa sóng nước mênh mông và con thuyền nhỏ bé cô đơn. Nhà thơ dụng ý để con thuyền xuôi mái trên những luồng nước lớn chảy song song cuồn cuộn, dữ dội như gợi cảm về sự chia lìa, không hòa nhập, con thuyền không chủ động trong phương hướng mà thụ động, trôi nổi, lênh đênh, vô định. Hình ảnh này như ẩn dụ cho chính nhà thơ và bao kiếp con người khác trong xã hội thực dân không được xã hội đảm bảo quyền sống, họ cũng lênh đênh, trôi nổi, không tự quyết định được phương hướng của dòng sông cuộc đời. Tâm trạng này của nhà thơ lại được một lần nữa nhấn mạnh ở câu thơ thứ ba qua phép tu từ đối lập “thuyền về nước lại sầu trăm ngả”, nhấn mạnh thêm sự tan tác chia lìa không thể hòa nhập giữa con người và xã hội, giữa thuyền với nước. Độ rộng lớn mênh mông của mặt nước càng làm cho con thuyền thêm nhỏ bé.

Mặc dù đã gửi nỗi buồn hóa thân vào hình ảnh con thuyền nhưng nỗi buồn không vơi đi mà còn đầy thêm, nhà thơ tiếp tục gửi nỗi buồn vào “củi một cành khô”. Nếu ba câu thơ trên phảng phất nét cổ điển với hình ảnh ẩn dụ quen thuộc là sông, nước, thuyền thì đến câu thơ thứ tư lại đậm tính hiện đại với hình ảnh cành củi khô, rất bình dị, đời thường không ai đưa vào thơ bao giờ thế nhưng Huy Cận đã táo bạo đưa hình ảnh này vào thơ của mình để diễn tả hữu hiệu tâm trạng buồn, cô đơn. Hình ảnh cành củi khô gợi sự tàn lụi, khô héo, động từ “lạc” đứng trước “mấy dòng” gợi sự lênh đênh, vô định, không phương hướng trong tương lai.

Tiếp đến là khổ thơ thứ hai mang đến cho người đọc cảm giác về vũ trụ, không gian “trời rộng sông dài”:

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

Với giọng thơ nhè nhẹ, man mác buồn, người đọc như nhìn thấy những cồn cát thưa thớt “lơ thơ” như nối tiếp dài mãi ra cùng với gió chiều nhè nhẹ thổi “đìu hiu” gợi một nỗi buồn khôn xiết. Đặc biệt, nhà thơ sử dụng nghệ thuật lấy động tả đã làm nổi bật sự ngạc nhiên, chút bâng khuâng của người lữ khách về cái vắng vẻ, hoang vắng của đôi bờ tràng giang. Người đọc đặc biệt ấn tưởng bởi câu thơ “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót” bởi lẽ người ta thường nói “cao chót vót” và “sâu thăm thắm” nhưng Huy Cận lại cảm nhận là “sâu chót vót” vừa để làm nổi bật hai vế tiểu đối nắng xuống/trời lên, đồng thời gây ấn tượng cho người đọc về cái bao la, mênh mông đến rợn ngợp của không gian vũ trụ vô tận và cũng là nỗi buồn vô tận của chính tác giả. Chính sự nhạy cảm với không gian trời đất, sông nước vũ trụ mênh mông ấy mà nhà thơ viết câu thơ thứ tư như một phép đo các chiều của vũ trụ, không gian dãn ra theo ba chiều: trời đẩy lên cao hơn tỏa rộng hơn, sông dài hơn tạo thành thế đối lập với bến để bến trở nên “cô liêu”. Phép tu từ nhân hóa biến biết cô đơn khiến cho câu thơ trở nên sinh động hơn, bến vô tri vô giác trở thành một sinh thể có hồn biết buồn như diễn tả nỗi buồn sầu cô đơn của con người vẫn chất chứa trong tim.

Khổ thơ thứ ba đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Trong bài thơ, Huy Cận nhìn thấy rất nhiều hình ảnh thiên nhiên có nét tương đồng với tâm trạng buồn cô đơn của mình nên đã mượn những hình ảnh thiên nhiên ấy để làm biểu tượng lặp đi lặp lại trong toàn bài: con thuyền, cành củi khô, cồn nhỏ, bến cô liêu. Và ở khổ thơ này, tác giả tiếp tục gửi hồn vào những cánh bèo gợi sự nhỏ bé, mỏng manh, mềm yếu trên sông nước giống như những kiếp người nô lệ đang trôi nổi trên dòng sông cuộc đời. Trong bốn câu thơ, nhà thơ sử dụng hai từ láy ở đầu câu hai và câu bốn, đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nếu từ láy tượng hình “mênh mông” cực tả không gian vô cùng rộng lớn gợi cảm giác rợn ngợp, thì từ láy tượng thanh “lặng lẽ” lại cực tả sự tĩnh lặng của không gian sông nước gợi cảm giác vắng vẻ buồn sâu lắng . Ánh mắt nhà thơ bao trùm lên toàn bộ không gian ấy để tìm kiếm hình bóng con người và cuộc sống. Nỗi niềm thất vọng của tác giả được thể hiện qua điệp từ “không”, không hề có một chuyến đò ngang, không một chiếc cầu, cầu và đò là phương tiện giao thông gắn kết tình người nhưng ở đây lại không hề có. Sự chia lìa tan tác buồn vắng dường như cũng tràn ra khỏi tâm hồn nhà thơ in hình vào thiên nhiên “bờ xanh tiếp bãi vàng”, nhà thơ miêu tả sắc màu nhưng lại tách hẳn xanh sau đó mới đến vàng gợi cảm về một sự sống tàn lụi héo úa dần.

Phân tích vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Ở khổ thơ cuối cùng, ánh mắt của nhà thơ không chỉ bao quát toàn cảnh tràng giang mà mở rộng ở tầm cao, tầm xa để vẽ lên bức tranh bầu trời chiều lúc hoàng hôn buông xuống:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Từ láy “lớp lớp” được nhà thơ đảo lên đầu câu thơ có tác dụng nhấn mạnh mây trời cứ xếp nối tiếp nhau trùng điệp làm tăng thêm sự hùng vĩ của cảnh thiên nhiên. Trên nền trời hùng vĩ ấy, nhà thơ điểm thêm một cánh chim nhỏ và nghiêng cánh lại càng nhỏ hơn tạo nên thế đối lập, bầu trời thật rộng lớn trong khi cánh chim thật nhỏ bé. Câu thơ đặc sắc ở chỗ nhà thơ gắn liền cánh chim nhỏ bay nghiêng với bóng chiều sa để người đọc dễ tưởng tượng bóng chiều sa vốn vô hình trở thành hữu hình. Có lẽ trong bài thơ “Tràng giang” nhà thơ sử dụng những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng ẩn dụ nhiều nhất, từ những làn sóng gợn đến con thuyền, cành củi khô…và đến cánh chim nhỏ nghiêng ở khổ bốn cực tả sự nhỏ bé, cô đơn, lạc loài, nhưng cánh chim đã cố gắng thoát khỏi sự cô đơn để bay lên bầu trời mênh mông, bao la như biểu tượng về khát vọng tự do và ước mơ hoài bão để vươn tới tương lai cho dù tương lai còn mờ mịt. Nỗi cô đơn buồn sầu như đang trào dâng lại trở về lắng đọng trong tim không được chia sẻ cùng ai nên nhân lên gấp nhiều lần tràn ra khỏi tâm hồn nhà thơ, từ láy “dờn dợn” tức là cảm xúc nhớ quê hương ùa về đầy ắp và chảy tràn qua theo dòng nước tràng giang. Với cảm xúc ấy, nhà thơ khẳng định không cần khói sóng trên sông, chỉ cần hoàng hôn thôi cũng nhớ nhà da diết. Câu thơ khiến người đọc đặt ra bao câu hỏi, người xưa nói: “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”, còn Huy Cận thì “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Vậy là thi nhân xưa và nay đã gặp gỡ đồng cảm ở hoàn cảnh xa quê, tâm trạng buồn và nhớ nhà. Đây chính là nét cổ điển trong bài thơ “Tràng giang”.

Kết bài: Tóm tắt những ý chí của tác phẩm Tràng Giang

“Tràng giang” của Huy Cận đã thể hiện rõ nỗi buồn, cô đơn của con người trước không gian rộng lớn của vũ trụ, cuộc đời. Chính vì thế, bài thơ không chỉ là bức tranh về thiên nhiên mà còn là những nhạc điệu của tâm hồn tác giả. Bài thơ mang vẻ đẹp cổ điển nhưng cũng rất hiện đại, đây chính là nét đặc trưng của thơ Huy Cận.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay