Phân tích vẻ đẹp con người Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp con người Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao

Mở bài: Giới thiệu về vẻ đẹp con người Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao

Văn học không chỉ là mảnh đất ghi lại dấu ấn của nhà văn mà còn là đất để nhân vật ghi lại những ấn tượng nơi người đọc. Nhắc tới việc xây dựng thành công nhân vật có lẽ mỗi nhà văn đều có cho mình những nghệ thuật riêng, với Nam Cao, nhân vật của ông như bước ra từ chính đời sống. Dù chính diện hay phản diện thì nhân vật của ông vẫn để người đọc nhận ra những vẻ đẹp riêng. Lão Hạc là một nhân vật như thế.

Bài liên quan:
>>Phân tích cảnh dân chài ra khơi trong bài thơ “Quê hương”- Tế Hanh

>>Phân tích nhân vật trữ tình trong bài “khi con tu hú” của Tố Hữu
>>Phân tích đoạn kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” của Mo-li-e

Thân bài: Phân tích vẻ đẹp con người Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao

Theo tác giả Trương Chính, Nam Cao viết truyện ngắn từ năm 1943, thời gian ấy tác giả cũng đang sống cuộc đời của một nhà giáo trường tư với muôn nỗi khổ cực của đời sống. Ông sống cùng tầng lớp nhân dân và đó là điều kiện để ông hiểu thấu những số phận của người dân trong chế độ phong kiến.

Truyện Lão Hạc được sáng tác trong những năm cả nước đang chịu cảnh đói nghèo. Lão Hạc là nhân vật chính. Lão trước hết là một người nông dân nghèo nhưng lương thiện. Câu nói ca ngợi riêng cho những người giữ được phẩm giá của mình trong khi cái đói, cái khổ bủa vây. Vợ chồng lão làm thuê, làm mướn mua được một mảnh vườn nhỏ làm nơi ăn chốn ở, gia đình lão thuộc diện “cùng đinh” trong làng, vợ chết, con trai do không có tiền lấy vợ mà phải bỏ nhà đi tha hương, lão cô độc cùng con chó mà lão gọi là Vàng. Nhưng cả đời lão chưa hề làm hại ai, không gây phiền toái đến ai, lão sống gom góp cho con và chết để bảo vệ thứ tài sản ít ỏi còn lại cho con mình.

Lão Hạc thương yêu con hết mực. Nhưng cái nghèo lại là nguyên nhân làm cho lão không làm trọn được trách nhiệm của người cha, con lão đi biền biệt, lão vì thế mà ăn năn, sống cuộc sống khổ sở hơn cả cái đói đang bủa vây lấy đời lão. Hàng ngày lão lo ăn không đủ nhưng lão dằn vặt bởi mình không lo được cho con là cái đau đớn lớn hơn. Lão đã chua chát mà tâm sự với ông giáo: “Tôi chỉ còn biết khóc chứ biết làm sao nữa? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi chứ đâu còn là con của tôi?” Những câu lão nói trong nghẹn ngào ấy cho thấy lão đang chịu một nỗi đau của người bị tước đoạt quyền làm cha chỉ vì hoàn cảnh túng thiếu.

Thương con, lão sống cô độc một mình và luôn muốn dành dụm tiền cho con trai. Sau khi thằng con đi, lão tự bảo rằng : “Cái vườn là của con ta. Hồi còn mồ mả mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu. Hồi ấy, mọi thức còn rẻ cả… Của mẹ nó tậu, thì nó hưởng. Lớp trước nó đòi bán, ta không cho bán là ta có ý giữ cho nó, chứ có phải giữ để ta ăn đâu ? Nó không có tiền cưới vợ, mới chịu về. Ta bòn vườn của nó, cũng nên để ra cho nó ; đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ thì ta thêm vào với nó, nếu nó có đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn mà làm ăn”. Tình thương yêu của người cha với con như vậy sao không được gọi là sâu nặng? Lão dè dặt với cuộc đời của mình cốt là để dành dụm cho con.

Phân tích vẻ đẹp con người Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao

Lão hạc là một người nhân hậu, khi con trai lão đi biệt xứ, lão làm bạn với con Vàng, nỗi thương nhớ con lão gửi vào con Vàng ấy. Lão gọi con chó là “Cậu Vàng” như một bà mẹ hiếm hoi gọi con cầu tự, coi cậu như một đứa trẻ, lão chăm sóc Vàng chu đáo,cho ăn cơm bằng bát như một nhà giàu, tâm sự với Vàng làm lão bớt nhớ con, bớt cô đơn và càng thể hiện sự đôn hậu trong con người lão: “- Cậu có nhớ bố cậu không ? Hả cậu Vàng ? Bố cậu lâu lắm không có thư về.Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy… Hơn ba năm… Có đến ngót bốn năm… Không biết cuối năm nay bố cậu có về không ? Nó mà về, nó cưới vợ,thì nó giết cậu. Liệu hồn cậu đấy !” Nhưng cuối cùng lão phải bán người bạn thân thiết của mình, có lẽ đó cùng là điều vạn bất đắc dĩ, là lựa chọn xót xa và cuối cùng của lão. Trước khi bán, lão còn nói với ông Giáo nhiều lần, với Lão Hạc, đó không phải là việc làm đơn giản, bởi hoàn cảnh đã đẩy lão đến con đường ấy thôi. Lão đã quá nghèo, nuôi thân chẳng được, lại không muốn ăn vào một đồng dành dụm cho con, cậu Vàng lại ăn rất khoẻ, nuôi thì không nỡ để cho nó đói, nó gầy, bán nó đi cũng mong nó được chăm sóc ở một gia đình giàu có hơn. Và trước khi chết lão ăn năn, người ta ăn năn vì lừa tình, lừa bạn, vì tiền… còn lão lại ăn năn vì lừa gạt một con chó.

Cuối cùng người cha ấy đã chọn cho mình cái chết để không phải đụng vào chút của cải dành dụm được cho con.

Kết bài: Cảm nghĩ về vẻ đẹp con người Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao

Nhà phê bình văn học Nguyễn Xuân Lạc có nhận định: “Cuộc đời lão Hạc là một dòng nước mắt chảy dài của nỗi đau bất hạnh”. Lão đã sống trong nghèo túng, đói khổ như ngàn vạn con người trong xã hội thực dân, nhưng trong cảnh đời thê thảm ấy ta lại thấy bừng lên vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao cả của lão. Ta thấm thía ý nghĩa nhân sinh: Bên dưới manh áo rách là một tấm lòng vàng.

Phan Thị Ngọc Hạnh - Khoa Ngữ Văn DHSP Hà Nội - (HNUE). Biên tập tài liệu văn học, chia sẻ văn mẫu hay