Đề bài: Cảm nhận về tình đồng đội, tinh thần chiến đấu của những người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Viết về chiến tranh, về những người lính trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ cứu nước của dân tộc đã có rất nhiều ngòi bút của các nhà văn, nhà thơ cùng với những bài thơ có giá trị cao về phương diện nội dung cũng như nghệ thuật. Bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của tác giả Phạm Tiến Duật là bài thơ như thế.
Bài thơ gây ra sự tò mò, hấp dẫn với người đọc từ chính nhan đề đầy độc đáo của bài thơ Bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Hình ảnh những chiếc xe không kính có thể quen thuộc trong cuộc sống của những người lính nhưng nó lại hoàn toàn mới lạ trong văn chương. Bởi vậy mà đưa hình ảnh những chiếc xe không kính vào bài thơ đã mang lại hiệu quả thẩm mĩ đặc biệt.
Thông qua hình ảnh của những chiếc xe không kính, tác giả Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật lên hình ảnh của những người lính lái xe cũng như tinh thần đồng đội, đồng chí đáng quý, thiêng liêng ở họ:
“Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Không cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc,
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
Những chiếc xe mất đi khung cửa kính khiến cho những người lính lái xe gặp vô vàn những khó khăn, gian khổ. Nhưng trong sự lạc quan, yêu đời của những người lính thì họ lại thấy những gian khổ ấy có phần hài hước. Không kính nên bụi đường lùa vào buồng lái, làm cho những mái đầu xanh của những người lính phủ một lớp bụi trắng. Trong sự hồn nhiên, tinh nghịch của mình, họ lại thấy những mái đầu phủ bụi như tóc trắng trên đầu những người già.
Cuộc sống của những người lính cũng vô cùng đơn giản, tự nhiên không hề câu lệ, hình thức. Không cần rửa tay, tranh thủ những giờ giải lao họ cùng nhau phì phèo châm điếu thuốc rồi nhìn nhau cười đầy vui vẻ về những mái đầu trắng xóa. Cuộc sống của những người lính gian khổ đấy nhưng chưa lúc nào thiếu đi tiếng cười, thiếu đi hơi ấm của tình đồng đội.
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây sum họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”
Những người lính lái xe cùng nhau làm nhiệm vụ tiếp viện cho miền Nam, những chuyến xe từ miền Bắc qua tuyến đường Trường Sơn để vào miền Nam tấp nập, đông đảo như một tiểu đội. Và những người lính lái xe trên những chiếc xe ấy đã trở thành những đồng đội thân thiết. Trên đường đi họ thường xuyên bắt gặp những người đồng đội đi ngang qua. Và những lúc ấy thì họ cùng trao nhau những cái bắt tay đầy ấm áp. Trong sự cảm nhận của những người lính lái xe thì kính vỡ không phải không có ích, kính vỡ đi rồi họ có thể dễ dàng bắt tay đồng đội trên đường.
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”
Những người lính cũng có những giây phút nghỉ ngơi, giây phút bên đồng đội thân thiết như gia đình. Những bếp lửa được thắp lên như xóa đi cái không khí ác liệt, bạo tàn của chiến tranh, nó gợi nhắc những người lính về không khí của tình người. Họ cùng nhau chiến đấu, cùng nhau sinh hoạt, chung bát đĩa, chung ngọn lửa sưởi ấm nên giữa họ đã nảy sinh một mối quan hệ gắn bó đặc biệt, mà trong cách định nghĩa của Phạm Tiến Duật thì họ chính là một gia đình. Hình ảnh ấy thật đẹp, thật cảm động biết bao.
Những đoàn xe vẫn chạy, vẫn chạy mang theo tình yêu, mang theo lí tưởng cao đẹp của những người lính, họ kiên định với lí tưởng, với quyết tâm của mình, đó là đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mùi rồi thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
TỪ KHÓA TÌM KIẾM
XE KHÔNG KÍNH
XE KHONG KINH
TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
Leave a Reply