Đề bài: Cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong hai bài thơ Đồng chí ( Chính Hữu) và Bài thơ về tiểu đội xe không kính ( Phạm Tiến Duật)
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ của dân tộc, đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã sáng tạo ra những áng thơ văn thấm đượm tinh thần dân tộc, đó là tình yêu quê hương đất nước, đó là tinh thần đấu tranh quật cường, là tình đồng đội đồng chí trong chiến tranh. Viết về mảng đề tài chiến tranh, các nhà văn, nhà thơ thường có khuynh hướng khắc họa lên những hình tượng người lính, cũng như tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa họ như một cách lí giải đến sức mạnh phi thường của quân dân Việt Nam, cũng như những cơ sở, tiền đề cho thắng lợi sau này của Cách mạng Việt Nam, cùng viết về những người lính, cả Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đã khắc họa lên hình tượng những người lính thật đẹp, thật đáng trân trọng.
Bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu và bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật là những bài thơ tiêu biểu trong phong trào thơ ca kháng chiến, đều hướng tới khắc họa hình tượng của những người lính trong chiến tranh. Trong những bức chân dung ấy, những người lính đều hiện lên với bao vẻ đẹp của phẩm chất, của lí tưởng. Họ đều là những người hùng của thời đại, là những con người vô danh nhưng lại là những người mang lại cuộc sống “hữu danh” cho chúng ta ngày hôm nay, họ đều là những người sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời cho nền độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước Việt Nam.
Tuy có những điểm tương đồng trong lí tưởng, trong phẩm chất nhưng hình ảnh của những người lính trong thơ của Chính Hữu và trong thơ của Phạm Tiến Duật lại mang những vẻ đẹp tiêu biểu riêng cho từng thời đại, thể hiện được tài năng cũng như tư tưởng sâu sắc riêng của mỗi nhà thơ. Trước hết ta đi tìm hiểu về hình tượng người lính trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Bài thơ này được viết trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Chính Hữu không chỉ khắc họa hình tượng người lính mà còn từ những hình tượng độc lập ấy để làm nổi bật hơn tình cảm đồng đội, đồng chí của những người lính.
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Tôi với anh đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
Những người lính vốn không hề có quan hệ gì trước đó, họ là những người nông dân nghèo đến từ khắp các miền quê nghèo cả nước, hoàn cảnh sống khó khăn lại nghe tiếng gọi của Tổ quốc, họ đã lên đường ra chiến trận cầm súng đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của đất nước, của xóm làng, bảo vệ cho cuộc sống cho những người mà họ yêu thương.Vì vậy, từ những người xa lạ, chẳng hề quen biết, vì có cùng lí tưởng cứu nước mà họ gặp nhau, cùng nhau chiến đấu và trở thành những người đồng đội. Trong cuộc sống ác liệt, thiếu thốn, khắc nghiệt của chiến tranh, chiến trường những người lính đã cùng nhau xẻ chia những ngọt bùi, những gian khó trong cuộc sống. Từ đó, họ từ những người đồng đội dần trở nên gắn kết, trở thành những người đồng chí:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”
Không chỉ nhấn mạnh ở tình đồng chí khăng khít, gắn bó mà nhà thơ Chính Hữu còn làm nổi bật lên những phẩm chất đáng quý ở những người lính, đó là lí tưởng xả thân vì tổ quốc, sẵn sàng dâng hiến tất cả, không chỉ là cuộc đời, tuổi trẻ mà cả sự sống của chính mình, họ coi cái chết nhẹ tựa hồng mao, đi không hẹn ngày về, chính những lí tưởng cao đẹp đó càng làm cho hình tượng những người lính trở nên lộng lẫy, đáng quý hơn:
“Ruộng nương tôi gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Đầu súng trăng treo”
Nếu như bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào cuộc kháng chiến chống Pháp thì bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” lại được Phạm Tiến Duật sáng tác trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, nói đến thời gian sáng tác bởi yếu tố thời đại có sự chi phối rất lớn đến ngòi bút của nhà văn. Ở trong tác phẩm của mìn, nhà thơ Phạm Tiến Duật xây dựng lên hình ảnh của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn với tất cả những vẻ quyết tâm, lí tưởng dâng hiến hào hùng mà không kém phần đáng yêu bởi chính những nét trẻ trung, tinh thần lạc quan của họ trước những khó khăn, họ hồn nhiên kể về những chiếc xe không kính bởi bom đạn của chiến tranh:
“Không có kính không phải xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
Những chiếc xe cùng đồng hành với những người lính lái xe vượt qua không khí hủy diệt đầy dữ dội của bom đạn, những chiếc xe bị tàn phá nặng nề, những tấm kính vỡ đi khiến cho diện mạo của chúng cũng thật lạ lùng. Nhưng những hủy hoại về vật chất ấy có đáng kể chi, những người lính vẫn ung dung lái xe, thực hiện nhiệm vụ chi viện của mình. Ngồi giữa buồng lái trống trải, những người lính vẫn mang những khát vọng đấu tranh, khát vọng hòa bình cho dân tộc, những khát vọng đó không được hoa mĩ miêu tả mà đơn thuần chỉ thể hiện qua ánh mắt “nhìn thẳng” của họ. Những người lính lái xe còn hiện lên với vẻ lạc quan, yêu đời lại có những nét hồn nhiên, đáng yêu:
“Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
Vậy là những người lính không những không bị những khó khăn, không bị mưa bom bão đạn làm nhụt ý chí mà ngược lại họ còn chủ động chung sống với những khó khăn, thậm chí lấy đó làm niềm vui cho cuộc sống, hình ảnh những người lính hiện lên mới thật chân thực làm sao, bởi họ không chỉ có những phẩm chất kiêu bạc, ngạo nghễ của những người anh hùng mà còn tồn tại cả những nét đáng yêu, lạc quan, ung dung của những con người luôn tin tưởng vào sự tất thắng trong tương lai, tồn tại những phẩm chất rất con người. Lí tưởng của những người lính lái xe cũng làm ta cảm phục, ngưỡng mộ “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Cả “đồng chí” của Chính Hữu và bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đều xây dựng lên những bước tượng đài về những người lính, họ đều là những con người sống tình nghĩa cùng lòng yêu nước mãnh liệt, tinh thần đấu tranh quật cường mạnh mẽ.
TỪ KHÓA TÌM KIẾM
ĐỒNG CHÍ
DONG CHI
XE KHÔNG KÍNH
TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
NGƯỜI LÍNH
Leave a Reply